Khơi thông thị trường nội địa nhờ kết nối cung cầu hàng hóa

14/05/2020 5:28 PM

(Chinhphu.vn) - Để tiếp tục khơi thông giao thương hàng hóa, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục trở thành “điểm đến” của các loại hàng hóa - đặc biệt là nông sản của nhiều tỉnh, thành phố, nhờ hoạt động kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm.

Kết nối tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa. Ảnh: Thùy Linh

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, quý 1/2020 hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra kém sôi động, người tiêu dùng hạn chế mua sắm, đi du lịch và ăn uống bên ngoài, doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn ghi nhận tăng 7,7% so với cùng kỳ. Vì vậy, việc khai thác tốt thị trường nội địa sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần xác định thị trường nội địa là nơi có thể giúp doanh nghiệp đứng vững trong khó khăn. Vì vậy, thời điểm này rất cần tạo ra mối kiến liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương để giúp nhau tiêu thụ sản phẩm.

Được biết, trong giai đoạn 2018-2019, Hà Nội đã ký kết hợp tác toàn diện với 44/63 tỉnh, thành phố, trong đó có việc giao thương, cung ứng hàng hóa (tổ chức 24 hoạt động kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản thực phẩm, hoa các loại; 19 tuần lễ trái cây, nông sản các địa phương tại Hà Nội; đã có trên 350 sản phẩm mới được các doanh nghiệp Hà Nội kết nối, tiêu thụ tại thị trường Thủ đô...). Đặc biệt, các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Ninh Thuận đã đạt trên 1.000 tỷ đồng doanh thu sau khi kết nối các sản phẩm hàng hóa vào các kênh phân phối trên địa bàn Thủ đô.

Quan trọng hơn, theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thông qua hệ thống phân phối hiện đại, nông dân được hướng dẫn phương pháp sản xuất tiên tiến, đầu tư bao bì, bảo quản…, có đầu ra sản phẩm ổn định với thu nhập cao hơn.

Với hơn 10 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn, Hà Nội đã, đang và sẽ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn với mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước. Dư địa tiêu thụ nông sản của Hà Nội còn rất lớn, khi các doanh nghiệp, hợp tác xã… của thành phố chỉ đáp ứng được 30%-65% nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Phương Lan cho rằng, quá trình triển khai hoạt động kết nối giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố còn gặp nhiều khó khăn bởi các hộ, hợp tác xã sản xuất nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì... Việc hỗ trợ nắm bắt nhu cầu thị trường của các doanh nghiệp, địa phương chưa kịp thời, dẫn đến một số sản phẩm dư thừa ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong tiêu thụ.

Ở khía cạnh của doanh nghiệp phân phối, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết, xu hướng tiêu dùng đòi hỏi các sản phẩm cần bảo đảm chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc, thân thiện với môi trường, giá thành hợp lý... Không bảo đảm các yêu cầu trên, nông sản, hàng hóa sẽ gặp khó khi tiêu thụ.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND về tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong năm 2020. Theo bà Trần Thị Phương Lan, những hoạt động này sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân của Hà Nội và các địa phương khác nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh. Qua đây, các đơn vị phân phối của Thủ đô có thể lựa chọn, đưa sản phẩm vào hệ thống của mình, từ đó đẩy mạnh hơn nữa tiêu dùng nội địa.

Thùy Linh

Top