Không chủ quan trong phòng, chống thiên tai

24/04/2019 5:00 PM

(Chinhphu.vn) - Phòng, chống thiên tai là công việc thường xuyên, không được lơ là, chủ quan và luôn cần chủ động, sẵn sàng trong mọi tình huống để ứng phó với mọi sự cố nhanh nhất, giảm thiểu thiệt hại trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong PCTT và TKCN năm 2018. Ảnh: Gia Huy

Tiếp tục phương châm "4 tại chỗ"

Tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 tổ chức chiều 24/4, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chu Phú Mỹ, trong năm 2018, Hà Nội chịu ảnh hưởng của 2 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới, chịu ảnh hưởng của 7 đợt nắng nóng và 8 đợt không khí lạnh mạnh.

Đặc biệt từ 13 - 22/7/2018, đợt mưa lớn đã gây ngập úng nặng, làm thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và sản xuất của nhân dân, nhất là địa bàn huyện Chương Mỹ (làm 3 người chết, 2 người bị thương, trên 3 nghìn hộ dân bị hảnh hưởng; trên 5 nghìn ha lúa, gần 2 nghìn ha rau màu bị thiệt hại...).

Năm 2018, địa bàn Hà Nội xảy ra 805 vụ cháy, trong đó có 7 vụ cháy lớn, 14 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. Tình hình cháy nổ tuy giảm so với năm 2017 nhưng vẫn diễn biến phức tạp, thiệt hại về người và tài sản vẫn ở mức cao (10 người chết, 23 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính trên 366 tỷ đồng). Về trật tự an toàn giao thông, địa bàn xảy ra 1.361 vụ tai nạn giao thông là 549 người chết, 922 người bị thương. Cảnh sát giao thông đường thủy kiểm tra, phát hiện 122 vụ, bắt giữ 132 phương tiện khai thác cát trái phép...

Về tình hình chống lụt khu vực đô thị và nội đô, theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Sở tập trung giải quyết ngập cục bộ bao gồm toàn bộ cống, cửa xả... để thoát nước nhanh nhất. Năm 2016 đến nay, với các trận mưa trên 100mm trong 2 ngày, theo thống kê còn 18 điểm úng ngập, qua nhiều giải pháp đến nay còn 13 điểm úng ngập tiếp tục tập trung giải quyết.

Khi xảy ra tình hình mưa, bão, ngập úng, lãnh đạo Thành phố thường xuyên kiểm tra hiện trường, chỉ đạo trực tiếp công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đợt mưa lũ cuối tháng 7/2018, nhiều đoàn công tác của lãnh đạo Thành phố, các sở, ngành đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, các hoạt động ủng hộ bằng vật chất đối với nhân dân vùng ngập trên địa bàn các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai.

Ban chỉ huy PCTT và TKCN các quận, huyện, thị xã đã tổ chức tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tại tại địa phương như: Tập huấn công tác tuần tra, canh gác cho lực lượng trên các điếm canh đê và lực lượng quản lý đê nhân dân; tập huấn kỹ thuật hộ đê các lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, lực lượng quản lý đê.

Theo ông Chu Phú Mỹ, mặc dù công tác PCTT và TKCN đạt được nhiều kết quả nhưng mặt hạn chế là cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động các cơ quan phòng, chống thiên tai còn thiếu; lực lượng làm công tác tham mưu các cấp còn chưa chuyên nghiệp, xử lý nhiều tình huống thiên tai còn lúng túng.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho khu vực trong hệ thống sông Đáy chưa được triển khai do đó khu vực một số huyện như: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thạch Thất, Quốc Oai... còn gặp bất lợi khi xảy ra mưa lớn cũng như lũ rừng ngang đổ về. Ngoài ra, một số quận, huyện, xã, phường và đơn vị vẫn còn tư tưởng chủ quan do đó xây dựng phương án phòng, chống thiên tai chưa cụ thể, chưa sát thực tết nhất là ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ rừng ngang, sạt lở đất.

Nhận định của Ban chỉ huy PCTT và TKCN về tình hình thiên tai, sự cố năm 2019 cho thấy, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, nhiệt độ trung bình ở mức cao hơn mọi năm, có khoảng 6 - 8 đợt nắng nóng, toàn mùa có 6 - 8 trận mưa to đến rất to...

Chính vì vậy, UBND các cấp, các sở, ngành đặt nhiệm vụ trọng tâm rà soát lực lượng, vật tư, phương tiện phục vụ công tác PCTT và TKCN theo phương châm "4 tại chỗ", xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai phù hợp thực tế. Các sở, ngành tổ chức chuẩn bị đầy đủ các điều kiện bảo đảm, kịp thời triển khai phương án khi có tình huống xảy ra, chịu trách nhiệm về mọi hoạt động trong công tác PCTT và TKCN thuộc lĩnh vực ngành quản lý.

Đặc biệt, các quận, huyện, thị xã xây dựng mô hình điểm và triển khai nhân rộng các tổ, đội xung kích PCTT và TKCN tại từng thôn, xã với lực lượng dân quân tự về làm nòng cốt để chủ động ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai ngay từ giờ đầu.

Phối hợp đồng bộ để huy động mọi nguồn lực cho PCTT

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Ban chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố nhấn mạnh, công tác PCTT và TKCN được xây dựng kế hoạch, tuyên truyền cặn kẽ sẽ giảm thiểu tác động liên quan đến thiệt hại. Vì vậy, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần nêu cao trách nhiệm, tăng cường tuyên truyền nội dung chương trình, kế hoạch, kỹ năng liên quan phòng, chống tiên tai, tình huống cháy nổ đối với mọi người dân trên địa bàn.

Vì vậy, Ban chỉ đạo các cấp cần tăng cường kiểm tra tất cả trang thiết bị phục vụ công tác PCTT và TKCN, đặc biệt là vào mùa mưa bão phương tiện, công cụ, dụng cần sẵn sàng ứng phó với thiên tai và trong tình trạng hoạt động tốt. Đối với các nguyên liệu dự phòng, xuồng, áo phao cứu hộ, bao tải phục vụ lấy cát đắp đê, máy phát... đề nghị các Ban chỉ đạo tại các địa phương đều phải thường xuyên kiểm tra.

Ban chỉ đạo các cấp cần xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn cụ thể; phân công trách nhiệm, tổ chức tập huấn, tập luyện thường xuyên. Từng đơn vị mỗi tình huống phải thường xuyên phổ cập, tổ chức tập huấn, tập tình huống xảy ra xem khả năng ứng phó với các điều kiện có bảo đảm hay không. Triển khai phương án "4 tại chỗ", các đơn vị phải có kế hoạch phân công rõ ràng, khi có tình huống xảy ra từng đơn vị được phân công nhiệm vụ phải vào việc ngay.

Chủ tịch TP. Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị kiểm tra và xử lý ngay các sự cố sạt lở, chống úng ngập; thường xuyên nắm bắt tình hình, báo cáo để vào cuộc đồng bộ. Về các đơn vị chủ lực như Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an Thành phố chuẩn bị phương tiện, con người để khi cần sẵn sàng tăng cường lực lượng.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, trong quá trình thực hiện các đơn vị xây dựng mối quan hệ phối hợp đồng bộ, tránh tình trạng không huy động được các nguồn lực khi sự cố xảy ra.

Gia Huy

Top