Không có lợi ích nhóm trong triển khai Đề án quy hoạch Ga Hà Nội và vùng phụ cận

18/11/2017 4:00 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 18/11, Tổ đại biểu số 2 HĐND thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm để chuẩn bị cho kỳ họp thứ năm HĐND Thành phố khóa XV. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Minh Anh

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn thông báo tới các cử tri về nội dung kỳ họp HĐND Thành phố sắp tới (diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 4-8/12/2017); báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của TP. Hà Nội năm 2017; phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2018…

Các vấn đề liên quan đến nạo vét cải tạo hồ Hoàn Kiếm, an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý nhà công vụ, quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước của các doanh nghiệp sau khi giải thể, phê duyệt Đề án không gian đi bộ phố cổ, vấn đề về quy hoạch Ga Hà Nội ….đã được các cử tri quan tâm và được Chủ tịch UBND Thành phố trực tiếp thông tin đến cử tri các nội dung chính liên quan.

Theo cử tri Nguyễn Công Hoan (phường Hàng Bông), về dự án xây dựng nhà ga trung tâm tại Ga Hà Nội được nhân dân và các chuyên gia xây dựng, kiến trúc góp ý, kiến nghị nhiều. Theo Đề án Quy hoạch khu vực Ga Hà Nội và vùng phụ cận, quy định của TP. Hà Nội hiện nay ở khu vực đó không được xây dựng quá 18 tầng. Tuy nhiên, vừa qua, trả lời phóng viên trên truyền hình VTV1, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho rằng, do tái định cư tại chỗ nên dự án nhà phải xây dựng từ 40 đến 70 tầng mới đáp ứng được. Ông Hoan đặt câu hỏi, vậy kiến trúc của một dự án xây dựng có lớn hơn quy định của Thành phố không?

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, trong quy hoạch, Ga Hà Nội được đề xuất trở thành điểm trung chuyển đa phương thức; quảng trường trước ga là đầu mối giao thông đảm nhiệm chức năng khớp nối tổng hợp nhiều phương tiện, nơi hội tụ các hoạt động của người dân thành phố.

Trước đây ở khu vực này có 5 dự án riêng biệt: tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội; tuyến đường sắt Yên Viên – Ngọc Hồi; cải tạo hồ Linh Quang; kéo dài đường Trần Quý Cáp; chương trình cải tạo chung cư cũ Văn Chương.

Khi triển khai chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, Bộ Giao thông vận tải, Hà Nội đã thuê tư vấn Nhật Bản –đơn vị có nhiều kinh nghiệm và thành công với mô hình quy hoạch các ga theo hình thức TODD (Transit Oriented Development- phát triển đô thị gắn kết).

Để tránh tình trạng các dự án rời rạc, thiếu kết nối, Hà Nội yêu cầu đơn vị tư vấn tích hợp cả 5 dự án nói trên. Sau thời gian dài nghiên cứu, đơn vị tư vấn đã đề xuất 2 phương án.

Trong quy hoạch do Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd-Nhật Bản lập, Ga Hà Nội được đề xuất trở thành điểm trung chuyển đa phương thức; quảng trường trước ga là đầu mối giao thông đảm nhiệm chức năng khớp nối tổng hợp nhiều phương tiện, nơi hội tụ các hoạt động của người dân thành phố. Nhà ga Hà Nội ở vị trí hiện tại sẽ được bảo tồn nguyên trạng.

Chủ tịch UBND Thành phố cũng cho biết, theo quy định hiện hành của TP. Hà Nội, tại khu vực lân cận ga Hà Nội chiều cao tối đa các dự án là 18 tầng, khu vực Văn Chương là 24 tầng. Thực tế, 80% người dân có liên quan đến dự án đều mong muốn tái định cư tại chỗ, vì vậy đơn vị tư vấn đề xuất nâng cao tầng và xây Trung tâm thương mại.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, dự án đang trong quá trình lấy ý kiến và sắp tới Hà Nội sẽ tổ chức trưng bày phương án đề xuất tại không gian đi bộ Hồ Gươm và khu vực trước cửa Ga Hà Nội.

Ông Chung khẳng định, không có lợi ích nhóm trong quy hoạch Ga Hà Nội và vùng phụ cận. Quy hoạch này để phục vụ lâu dài, trong đó cải tạo đời sống cho người dân làng Linh Quang, khu Văn Chương đã và đang xuống cấp.

Minh Anh

Top