Không để ‘đứt gãy’ hàng hóa do dịch Covid-19

30/07/2020 3:51 PM

(Chinhphu.vn) – Dù dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát trở lại, nhưng Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, luôn bảo đảm nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ứng phó với các cấp độ diễn biến dịch; không để “đứt gãy” hàng hóa do dịch Covid-19.

Doanh nghiệp đã chủ động tâm thế dự trữ hàng hóa tăng từ 3-5 lần. Ảnh: Bích Phương

Hiện, Hà Nội đã ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 trở lại sau một thời gian khống chế được dịch. Mặc dù, đang ở mức 3 (nguy cơ thấp) theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ do các ca của Hà Nội đều lây thứ phát từ Đà Nẵng, chưa xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, nguy cơ lẫy nhiễm dịch Covid-19 hiện nay rất cao ở diện rộng bởi chủng virus nguy hiểm hơn, lây nhiễm cao hơn, không phụ thuộc vào thời tiết…

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, để phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công điện 05/CĐ-UBND ngày 26/7 của Thành phố về triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19. Những giải pháp cụ thể cũng đã được UBND TP. Hà Nội xây dựng và triển khai.

Trong lĩnh vực ngành Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã chủ động triển khai xây dựng 3 công văn gửi các doanh nghiệp kinh doanh thương mại công nghiệp, UBND các quận, huyện trên địa bàn để tiếp tục chủ động trong công tác phòng chống dịch Covid-19 với các nhiệm vụ cụ thể.

Theo đó, đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại, Sở Công Thương đề nghị chủ động rà soát lại phương án 3 về bảo đảm nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân ứng phó với các cấp độ diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố mà Sở Công Thương đã ban hành. Các mặt hàng kinh doanh, các sản phẩm mà các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại đã đăng ký dự trữ với Sở Công Thương trong dịp tháng 4/2020, cần tiếp tục chủ động hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu người dân trên địa bàn.

Sở Công Thương cũng đã xây dựng kế hoạch phương án dự trữ hàng hóa phục vụ công tác bình ổn thị trường năm 2020 và Tết Nguyên đán 2021. Các doanh nghiệp cũng đã đăng ký xây dựng phương án dự trữ hàng hóa phục vụ công tác bình ổn thị trường năm 2020 và Tết Nguyên đán 2021. Trên cơ sở này, các doanh nghiệp đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa. Nếu dịch bệnh có xảy ra trên địa bàn Thành phố thì các doanh nghiệp đã chủ động tâm thế dự trữ hàng hóa tăng từ 3-5 lần trong phương án 3 của Thành phố.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, Sở Công Thương yêu cầu tiếp tục công tác phòng chống dịch đối với người lao động trong doanh nghiệp, rà soát lại phương án kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, nước sát khuẩn trên địa bàn sẽ xây dựng kế hoạch để bảo đảm sản lượng công tác phòng chống dịch phục vụ cho nhu cầu người dân trên địa bàn toàn Thành phố.

Sở Công Thương Hà Nội cũng yêu cầu cán bộ, công chức ngành Công thương Hà Nội tăng cường công tác phối hợp với các địa phương để triển khai công tác phòng chống dịch và khai báo y tế theo đúng quy định.

Đồng thời đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn toàn Thành phố và các địa phương thực hiện tốt công tác bảo đảm sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.

Đặc biệt, Sở Công Thương cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý và tích trữ hàng hóa, đặc biệt là liên quan đến các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch trên địa bàn toàn Thành phố.

Để kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong những tháng cuối năm, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương Hà Nội và UBND các quận, huyện phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại tại địa phương (mỗi địa phương từ 3 đến 5 chương trình); phối hợp tổ chức sự kiện xúc tiến thương mại của Thành phố trên địa bàn (các hội chợ, tuần hàng Việt, tuần hàng trái cây và nông sản thực phẩm...); tổ chức chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”...

Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, nhằm bảo đảm hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong dịch Covid-19, Sở Công Thương đã xây dựng và triển khai 3 phương án bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa, tổng trị giá 194.000 tỷ đồng, đồng thời xây dựng phương án dự trữ thêm hàng hóa phục vụ các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Bắc Bộ.

UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng phương án, kịch bản bảo đảm hàng hóa và thành lập tổ điều phối hàng hóa ứng phó với dịch Covid-19; chủ động ký kết với các đơn vị phân phối, thành lập hơn 2.150 điểm giúp các doanh nghiệp có thể mở thêm kho hàng dự trữ và bán lưu động khi cần thiết...

Sở Công Thương cũng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ kết nối với các nhà cung cấp thực phẩm, hàng hóa, đơn vị vận chuyển phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Bích Phương

Top