Không lạm dụng kháng sinh để điều trị bệnh hiệu quả

20/11/2018 2:50 PM

(Chinhphu.vn) - Việc lạm dụng thuốc kháng sinh không chỉ là mối lo ngại của các bác sĩ lâm sàng trong điều trị bệnh mà còn là thảm họa chung của toàn cộng đồng. Vì vậy cần sử dụng kháng sinh hợp lý để giúp người bệnh không gặp tình trạng kháng thuốc đồng thời giúp tiết kiệm chi phí trong điều trị bệnh.

Ảnh minh họa

Hiện nay, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Kháng sinh là loại thuốc dùng để phòng ngừa và điều trị nhiễm khuẩn. Việc kháng kháng sinh xảy ra khi một loại vi khuẩn tiến hóa theo một cách mới để làm giảm hoặc loại bỏ hiệu quả của thuốc kháng sinh. Nhưng nếu bệnh nhân không thay đổi hành vi sử dụng mà tự ý lạm dụng kháng sinh thì ngay cả khi các loại thuốc kháng sinh mới được phát minh và đưa vào ứng dụng trong điều trị bệnh kháng kháng sinh vẫn là một mối đe dọa lớn.

Vi khuẩn đang dùng đủ cách để chống lại các kháng sinh mà loài người tạo ra. Trong tình hình như vậy buộc các bác sĩ phải phối hợp nhiều thuốc kháng sinh, sử dụng liều cao hơn hoặc phải thay đổi phác đồ điều trị theo tình hình đề kháng và phải tiếp tục nghiên cứu tìm ra các loại thuốc kháng sinh mới để chống lại hiện tượng đề kháng dẫn đến cuộc chạy đua giữa con người và vi khuẩn gây bệnh một cách quyết liệt.

Nguy hiểm từ kháng kháng sinh

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh không chỉ là mối lo ngại của các bác sĩ lâm sàng trong điều trị mà còn là thảm họa chung đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Theo điều tra của WHO tại Việt Nam, 83% vi khuẩn Pneumococal  (vi khuẩn gây ra viêm phổi, viêm màng não...) đã kháng với kháng sinh penicillin; 72% vi khuẩn Ecoli gây các bệnh về tiêu chảy và đường ruột đã kháng ceftriaxon. Theo đó, nếu nhiễm các vi khuẩn này, những thế hệ kháng sinh phổ biến trước đây như penicillin hay ceftriaxon sẽ không còn tác dụng.

Tuy đã được cảnh báo nhiều về hậu quả của việc lạm dụng thuốc kháng sinh và tự ý mua thuốc để điều trị nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan coi thường tính mạng, sức khỏe của mình. Họ vẫn ra hiệu thuốc gần nhà tự mua thuốc về điều trị. Chị Đào Thị Trang, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy cho biết, mỗi lần các con chị bị đau đầu, đau bụng hay bị sốt... là chị ra quầy thuốc gần nhà kể với dược sỹ về tình trạng sức khỏe của con, sau đó theo tư vấn của dược sỹ mua thuốc về nhà tự điều trị. Chỉ khi nào con uống thuốc mãi không khỏi, bệnh nặng hơn chị mới đưa con vào viện. Lúc đó được các bác sĩ giải thích về việc lạm dụng thuốc kháng sinh không theo đơn chị Trang mới biết mức độ nguy hiểm như thế nào.

Theo bệnh viện đa khoa Đức Giang, mỗi ngày khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện thường xuyên điều trị cho 30 bệnh nhân nặng, trong đó có 1/3 bệnh nhân bị kháng kháng sinh. Những bệnh nhân này bị kháng thuốc là do thói quen trước đây các bệnh nhân bị đau đầu, cảm cúm thường tự mua thuốc mà không đi khám để được điều trị theo đơn của bác sĩ. Theo bác sĩ Đỗ Đức Dũng, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, các bác sĩ của viện gặp rất nhiều bệnh nhân nhập viện khi đã tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị tại nhà. Đến khi bệnh tình tiến triển nặng mới nhập viện điều trị nhưng lúc này bệnh nhân đã có hiện tượng kháng kháng sinh, chúng tôi phải sử dụng thuốc kháng sinh rất mạnh, rất đắt tiền để điều trị cho bệnh nhân. Theo đó dẫn đến chi phí điều trị cho người bệnh rất cao, dù việc điều trị cho bệnh nhân có hiệu quả nhưng kết quả không được như mong đợi. Chính vì vậy, bác sĩ Đỗ Đức Dũng khuyến cáo những trường hợp bệnh nhân dùng kháng sinh đều phải được chỉ định điều trị theo kê đơn thuốc của bác sĩ.

Cũng bàn về thực trạng kháng thuốc hiện nay, PGS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu - chống độc Việt Nam cho biết, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh với số lượng vi khuẩn kháng thuốc và mức độ kháng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ kháng với kháng sinh nhóm carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay đã lên đến 50-60%. Trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả thì Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đặc biệt, có những bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn đã kháng thuốc đến mức các bác sĩ cho dùng loại kháng sinh thế hệ mới nhất cũng không hiệu quả, phải kết hợp với nhiều kháng sinh khác. Đáng lo ngại hơn, hiện nay đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh, phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.

Cần hỗ trợ hoặc thay thế để không phụ thuộc kháng sinh

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh tại nước ta là do người dân có thể tự mua kháng sinh dễ dàng, chỗ nào cũng mua được dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi. Một số bệnh lý không cần kháng sinh nhưng người dân vẫn sử dụng khiến cho vi khuẩn kháng thuốc, kê đơn của thầy thuốc cũng gây nên tình trạng kháng kháng sinh. Hay do chất lượng tư vấn, chẩn đoán và bán thuốc của nhiều dược sĩ còn yếu kém, thiếu kinh nghiệm thực tế... Bên cạnh đó, nguy cơ do người dân lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi dẫn đến vi khuẩn ở môi trường này cũng trở nên kháng kháng sinh.

Vì vậy, để phòng ngừa và khắc phục tình trạng kháng kháng sinh, các bác sĩ khuyến cáo cần phải xác định chính xác vi khuẩn gây bệnh để sử dụng đúng loại kháng sinh. Tuy không phải trường hợp nào có cũng có được kết quả vi sinh nhưng bác sĩ có thể căn cứ vào vị trí nhiễm khuẩn, vi khuẩn thường gặp tại vị trí đó và tình hình đề kháng kháng sinh của vi khuẩn đó đối với kháng sinh định lựa chọn. Đồng thời các bác sĩ tuân thủ nguyên tắc chỉ kê kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn, tối ưu hóa dược lâm sàng và khuyến khích bệnh nhân tuân thủ điều trị. Nhất là đối với các dược sĩ cần bán thuốc theo đơn, tư vấn sử dụng kháng sinh đúng cách cho người bệnh, bao gồm đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian và đúng cách. Đối với bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, không nên tự ý sử dụng kháng sinh bừa bãi, tránh sao chép đơn thuốc của người khác... Ngoài ra, các hãng dược cũng cần nghiên cứu không ngừng để đưa ra các loại kháng sinh mới và ngành dược cũng cần tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ hoặc thay thế để hạn chế phụ thuộc vào kháng sinh.

Thiện Tâm

Top