Khuyến công Hà Nội: Góp phần nâng cao đời sống nông dân

27/12/2017 12:16 PM

(Chinhphu.vn) – Nhờ có sự hỗ trợ của Khuyến công Hà Nội trong các mặt công tác như truyền nghề cho lao động nông thôn, nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn... mà đời sống của nhiều nông dân từng bước được cải thiện, nâng cao.

Ảnh minh họa

Từ đầu năm đến nay, công tác khuyến công tiếp tục được triển khai đồng bộ, sâu rộng tại 18 huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội. Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp TP. Hà Nội cho biết, công tác khuyến công năm 2017 đã góp phần đưa giá trị sản xuất ngành Công nghiệp Hà Nội tăng thêm 7,3% so với năm 2016, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn đạt trên 89.000 tỷ đồng, tăng 11%; giá trị sản xuất làng nghề ước đạt 20.000 tỷ đồng tăng 33,3%; kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành Thủ công mỹ nghệ đạt 187 triệu USD, tăng 5,5%.

Đáng chú ý, số lao động công nghiệp nông thôn năm 2017 tăng 4,09% (tương đương 417.163 người), trong đó lao động được tạo việc làm mới qua hoạt động khuyến công đạt khoảng 10.000 người), với thu nhập bình quân đạt 47,1 triệu đồng/năm (tăng 13,07%); hỗ trợ 500 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tạo ra 250 mẫu sản phẩm mới.

Trong năm, Trung tâm cũng đã tổ chức 40 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho 1.400 lao động khu vực nông thôn tập trung vào ngành nghề thủ công mỹ nghệ như: Mây tre đan, sơn mài, khảm trai, thêu ren, gốm sứ... Kết thúc khóa đào tạo, các học viên đã có tay nghề cơ bản, tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, các lớp học nghề mây tre đan thực hiện tại huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Thạch Thất… trên 85% học viên có việc làm; dát vàng quỳ, sơn mài, khảm trai tại huyện Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên… 60%-80% học việc sau đào tạo có việc làm với thu nhập ổn định.

Cũng từ chương trình này, đã có hàng chục doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành Thủ công mỹ nghệ được hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, các sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã còn được Trung tâm hỗ trợ tham gia các hội chợ trong và ngoài nước về xúc tiến thương mại như: Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2017, Hội chợ quốc tế tại Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc)… Tham gia hội chợ, các doanh nghiệp không chỉ có cơ hội quảng bá sản phẩm, tìm hiểu nhu cầu của thị trường để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm mà nhiều doanh nghiệp còn ký kết được các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác và hợp đồng xuất khẩu trực tiếp.

Theo đánh giá từ Sở Công Thương Hà Nội, năm 2017, công tác khuyến công đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, qua đó góp sức vào mức tăng trưởng 11% giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn với trên 89.000 tỷ đồng. Số lao động công nghiệp nông thôn được tạo việc làm mới thông qua hoạt động khuyến công đạt 10.000 người với thu nhập bình quân 47,16 triệu đồng/năm. Trung tâm đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở tạo ra 250 mẫu sản phẩm mới.

Mục tiêu tạo thêm 10.000 việc làm cho lao động nông thôn

Bên cạnh các kết quả đã đạt được trong năm 2017, vẫn còn một số nội dung hoạt động khuyến công đề ra trong kế hoạch vẫn chưa triển khai được. Hoạt động khuyến công phần lớn được triển khai trên địa bàn nông thôn, cách xa trung tâm Thành phố, việc đi lại mất thời gian công sức. Trong khi đó đội ngũ làm công tác khuyến công cấp huyện còn thiếu và chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa hình thành đội ngũ khuyến công viên cấp xã, vì vậy việc triển khai công tác khuyến công đôi lúc gặp một số khó khăn...

Nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình khuyến công thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoại thành theo hướng công nghiệp-nông nghiệp-dịch vụ, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho khu vực nông thôn,... trong năm 2018, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các chương trình khuyến công.

Năm 2018, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thành phố đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn tăng 10% so với năm 2017 (tương đương 98.000 tỷ đồng), trong đó giá trị sản xuất làng nghề tăng 10%-12% (đạt 22.000 tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng 6,9% (đạt 200 triệu USD). Từ chương trình khuyến công, có 450-500 lượt cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, làng nghề được hỗ trợ; tạo thêm khoảng 10.000 việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn với thu nhập bình quân khoảng 51 triệu đồng/năm. Đồng thời, tạo ra khoảng 300 mẫu sản phẩm có thiết kế mới trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.

Để đạt hiệu quả cao hơn, với vai trò là đơn vị trực tiếp quản lý và triển khai chương trình khuyến công, Sở Công Thương Hà Nội sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, thẩm tra lựa chọn cơ sở có đủ năng lực để thực hiện hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, không chồng chéo; huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng với nguồn kinh phí khuyến công Thành phố đầu tư hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn nông thôn Hà Nội.

Bích Phương

Top