Kiểm soát chặt chẽ, không để lây lan dịch cúm gia cầm

11/02/2020 2:27 PM

(Chinhphu.vn) - Trước tình hình dịch cúm gia cầm A//H5N6 xuất hiện tại huyện Chương Mỹ thời gian qua, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp để khoanh vùng, khống chế dịch.

Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh cho gia cầm - Ảnh: Thiện Tâm

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trên địa bàn Thành phố, từ  đầu năm 2020 đến nay đã phát sinh ổ dịch Cúm gia cầm cúm A/H5N6 tại huyện Chương Mỹ. Cụ thể, ngày 3/2, trên địa bàn thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa có hộ ông Nguyễn Văn Sơn, có tổng đàn 2.397 con vịt (34 ngày tuổi có biểu hiện ốm chết), kết quả dương tính cúm A/H5N6. Toàn bộ tổng đàn vịt đã tiêu hủy theo quy định.

Sau đó, ngày 9/2, trên địa bàn thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa tiếp tục phát sinh 3 hộ chăn nuôi (vịt và ngan thương phẩm), tổng đàn 3 hộ là 4.410 con, đàn gia cầm ốm, chết, biểu hiện nghi cúm gia cầm, toàn bộ số tổng đàn gia cầm của 3 hộ đã tiêu hủy theo quy định ngay trong ngày 9/2.

Tính đến ngày 10/2, trên địa bàn xã Phú Nghĩa có 4 hộ chăn nuôi gia cầm ốm chết, trong đó 1 hộ chăn nuôi dương tính với cúm A/H5N6. Tổng số gia cầm tiêu hủy của 4 hộ là (6.807 con).

Theo nhận định, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn rất cao do một số nguyên nhân là do thời tiết có diễn biến bất lợi, mưa phùn, lạnh, ẩm ướt làm sức đề kháng vật nuôi giảm, mầm bệnh có điều kiện phát sinh.

Đây là khu vực đã từng xảy ra ổ dịch cúm A/H5N6 cuối năm 2018, tại khu vực này có nhiều ao hồ, kênh, mương thông nhau. Đồng thời, ở đây chiếm tỷ lệ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cao, nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm còn thấp.

Để phòng chống dịch bệnh, thời gian qua Sở NN&PTNT đã ban hành văn bản chỉ đạo gửi các huyện, các đơn vị trực thuộc Sở số 273/SNN-CNTY về việc tập trung phòng, chống dịch bệnh động vật và bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đồng thời Sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ tổ chức tiêu hủy ngay toàn bộ số gia cầm mắc bệnh theo quy định và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như: Lập chốt, rà soát thống kê, ký cam kết, tiêm phòng bao vây, vệ sinh tiêu độc… Bên cạnh đó, Sở cấp cho huyện Chương Mỹ 150 lít thuốc sát trùng vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực ổ dịch và khu vực có nguy cơ cao để tiêu diệt mầm bệnh; cấp 450 nghìn liều vắc xin cúm để tiêm bao vây cho gia cầm khỏe mạnh trong đối tượng tiêm phòng tại xã có dịch và các xã liền kề.

Hiện nay trên địa bàn Thành phố đang triển khai đồng loạt đợt tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường toàn huyện từ ngày 10/2 đến 20/2 theo kế hoạch đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thời gian tới, Sở NN&PTNT chỉ  đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; chuẩn bị vật tư, hóa chất, vắc xin để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch kịp thời; tăng cường kiểm tra tình hình chăn nuôi, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Chi cục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở, kịp thời phát hiện, khoanh vùng và xử lý nhanh gọn khi có ổ dịch xảy ra.

Duy trì hoạt động các Chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông và Tổ Kiểm dịch động vật liên ngành lưu động Thành phố.

Kiểm tra, rà soát, bổ sung đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch trên địa bàn; đề nghị các quận huyện tăng cường giám sát thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm trái phép vào địa bàn.

Thực hiện tốt đợt tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trước và sau tết Nguyên đán 2020; triển khai công tác tiêm phòng đại trà đợt 1 năm 2020.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của các địa phương, năm 2019, bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi, 44 xã, 41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 133.000 con gia cầm. Từ đầu tháng 1/2020 đến nay, cả nước có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 chưa qua 30 ngày tại tỉnh Quảng Ninh.

Thiện Tâm

Top