Kiểm soát thực phẩm: Cần phải an toàn từ gốc

23/01/2018 10:19 AM

(Chinhphu.vn) – Hà Nội đang đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 80% lượng thịt trên thị trường hoàn toàn bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Tuy nhiên, đây là mục tiêu khá khó khăn với thực trạng sản xuất và tiêu thụ thịt hiện nay.

Nhu cầu thực phẩm ngày tết tăng cao, việc kiểm soát ATTP càng cần được đẩy mạnh. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Lượng cung lớn, khó kiểm soát

Theo tính toán nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm của Hà Nội khoảng hơn 870 tấn/ngày. Nhiều năm nay, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tiến tới giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp nhưng chưa thành công. Hiện người dân Thành phố đang trông đợi vào đề án sản xuất và tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm bảo đảm ATTP trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2015-2020.

Mặc dù Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo, xây dựng các điểm giết mổ công nghiệp, hiện đại nhưng không cho kết quả. Hiện, toàn Thành phố có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 7 cơ sở giét mổ bán công nghiệp và gần 2.500 điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm.

Trong khi đó, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh buôn bán động vật, sản phẩm động vật còn nhiều yếu kém, phần lớn động vật đưa vào giết mổ chưa kiểm soát được tận gốc.

Trong khi đó, Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, với sản lượng hiện có, sản xuất nông nghiệp Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu, rất cần nguồn cung cấp nông sản an toàn, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, minh bạch thông tin và truy xuất rõ nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố về phục vụ người tiêu dùng Thủ đô và du khách.

Ông Đỗ Phú Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho hay, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 1000 chợ dân sinh, trong đó hầu hết các chợ đều có kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, việc kiểm soát thú y, nguồn gốc ở các chợ cóc, chợ tạm, chợ nhỏ lẻ là vô cùng khó.

“Ý thức chấp hành quy định pháp luật về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y của người kinh doanh, buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm rất thấp. Một số khác vì lợi nhuận trước mắt đã sử dụng sản phẩm kém phẩm chất, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và ATTP”, ông Đỗ Phú Sơn nhìn nhận.

Có tình trạng này, theo ông Sơn một phần là do trách nhiệm về công tác tổ chức, quản lý, tuyên truyền về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ của Ban quản lý các chợ, chính quyền địa phương chưa quan tâm, thiếu kiểm tra đôn đốc xử lý.

Cần truy xuất theo chuỗi

Để người tiêu dùng Thủ đô được sử sụng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm bảo đảm ATTP, có nguồn gốc rõ ràng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục xây dựng đề án sản xuất và cung cấp thịt gia súc, gia cầm bảo đảm ATTP trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2015-2020.

Mục tiêu, đến năm 2020, phấn đấu 80% sản lượng thịt gia súc, gia cầm lưu thông trên thị trường Thành phố bảo đảm ATTP. Đặc biệt, kiểm soát được ATTP trong toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh thực phẩm theo nguyên tắc “từ trang trại tới bàn ăn”, truy xuất được nguồn gốc và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về ATTP.

Thực tế đây không chỉ là đường đi của lĩnh vực nông nghiệp Hà Nội mà đó là xu hướng của toàn ngành nông nghiệp trong cả nước. Để làm được điều này, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ra nhiều giải pháp như tuyên truyền thay đổi thói quen, hành vi sử dụng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm của người tiêu dùng; rà soát, bổ sung các chính sách về khuyến khích đầu tư, về chế tài xử phạt theo hướng xử lý nghiêm, xử phạt nặng đủ sức răn đe với các hành vi trục lợi, kinh doanh sản phẩm mất ATTP…

Tiêu dùng sản phẩm bảo đảm ATTP là mong muốn của người tiêu dùng, tuy vậy, những băn khoăn về mục tiêu này không khỏi khiến nhiều người e dè.

Để có 80% lượng thịt gia súc, gia cầm lưu thông trên thị trường Hà Nội bảo đảm ATTP vào năm 2020 thì phải dẹp bỏ được tình trạng giết mổ nhỏ lẻ hiện nay, trong đó là gần 2.500 điểm điểm trên địa bàn Thành phố. “Những năm qua, Thành phố đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này nhưng vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Nếu cứ tiếp tục như hiện nay thì tôi e rằng, rất khó để thu hút tư nhân tham gia”, ông Đào Văn Học, cơ sở giết mổ tại thị trấn Xuân Mai nhận định.

Theo ông Tại Văn Tường, trong thời gian thực hiện chương trình liên kết chuỗi rau thịt an toàn vừa qua tại Hà Nội cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. TP.Hà Nội đã xây dựng và duy trì được 65 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó các chuỗi có nguồn gốc động vật đã thu hút gần 3.000 hộ chăn nuôi, khoảng 100 doanh nghiệp/cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn, cung cấp thuốc thú y, cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tham gia hợp tác xây dựng chuỗi.

Hiện nay, Hà Nội đã xây dựng được 5 nhãn hiệu tập thể, 13 nhãn hiệu hàng hóa, 1 nhãn hiệu được chứng nhận. Các tỉnh, Thành phố cũng đã xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm ATTP để cung cấp trên địa bàn cũng như thị trường cho Hà Nội. Đến nay đã kết nối được trên 50 dòng sản phẩm mới từ 5 tỉnh, thành phố gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Ninh Bình, Nam Định, Đăk Lăk.

Từ đó tăng cường các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô. Đặc biệt, để bảo đảm trong việc quản lý, ATTP theo chuỗi cung ứng sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội, Sở NNPTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành thuộc Sở phối hợp với các đơn vị quản lý chuyên ngành 20 tỉnh, thành phố nhằm nâng cao năng lực kiểm soát, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ trên địa bàn TP.Hà Nội theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.

Đỗ Hương

Top