Kịp thời giải quyết tốt các kiến nghị của cử tri

25/10/2018 9:24 AM

(Chinhphu.vn)-HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã cần tập trung đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, phân công cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ bảo đảm kịp thời giải quyết các kiến nghị của cử tri.

Cử tri bày tỏ ý kiến của mình trước những vấn đề đời sống, dân sinh

Theo đánh giá của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội sau đợt giám sát về kết quả trả lời các kiến nghị của cử tri trên địa bàn thành phố, vẫn còn nhiều ý kiến chưa đi thẳng vào vấn đề, chưa quy rõ trách nhiệm và thời gian giải quyết, dẫn đến cử tri tiếp tục kiến nghị.

Tồn đọng nhiều vụ việc kéo dài

Theo tổng hợp của UBND thành phố, từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 5, HĐND thành phố, toàn thành phố có 1.582 kiến nghị của cử tri thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố. Nội dung kiến nghị tập trung các lĩnh vực: Quản lý kinh tế, nhà ở, môi trường, đền bù giải phóng mặt bằng, văn hóa xã hội, quản lý đô thị, quy hoạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, cải cách hành chính…

Đến nay, cơ bản các kiến nghị của cử tri đã được UBND thành phố giao các sở, ngành, quận, huyện, thị xã quan tâm, giải quyết đạt hơn 80%.

Qua giám sát tại UBND 8 quận, huyện: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đông Anh, nhiều đại biểu HĐND thành phố cho rằng, việc tiếp nhận giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri trong thời gian qua được UBND thành phố quan tâm, từng bước cải tiến cả phương pháp và cách làm để bảo đảm kết quả thiết thực, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc cử tri quan tâm.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến trả lời chưa đi thẳng vào nội dung vấn đề, chưa quy rõ trách nhiệm và thời gian giải quyết. Một số kiến nghị thuộc phạm vi, trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, nhiều cấp, nhiều ngành chưa có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các cơ quan, dẫn đến việc giải quyết kéo dài và cử tri tiếp tục kiến nghị.

Vì thế, trên địa bàn vẫn còn tồn đọng 15% kiến nghị chưa được giải quyết.

Quận Hoàng Mai có 67 kiến nghị, đến nay mới giải quyết xong 22 kiến nghị do một số vụ việc giải quyết chưa rõ ràng, chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri. Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu thừa nhận rằng, nhiều nội dung trả lời còn chung chung, không xác định được lộ trình, phương hướng giải quyết; có nội dung trả lời không đúng trọng tâm, chưa đầy đủ với nội dung kiến nghị, nên cử tri không đồng tình, tiếp tục có kiến nghị. Đặc biệt, các kiến nghị có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thì chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ để giải quyết cho hiệu quả.

Quận Hai Bà Trưng từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay có 10 kiến nghị, nhưng vẫn còn tồn đọng 3 kiến nghị rất khó giải quyết. Đặc biệt, vụ việc liên quan đến Dự án đầu tư cống hóa mương tại ngách 153/34, Vĩnh Tuy thuộc Dự án K5B và Dự án cống hóa mương Lạc Trung còn vướng mắc, do liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhưng thiếu sự phối hợp đồng bộ, giải quyết chậm trễ, nên cử tri bức xúc kiến nghị nhiều lần.

Tương tự, huyện Đông Anh đang tồn đọng 16 kiến nghị; huyện Ứng Hòa cũng tồn đọng 3 kiến nghị; huyện Thanh Oai tồn đọng 10 kiến nghị; quận Ba Đình tồn đọng 2 kiến nghị… Đây đều là những kiến nghị về công tác quản lý đô thị, đất đai, thủy lợi… liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, cần có sự phối hợp đồng bộ, thì mới giải quyết triệt để.

Để giải quyết tốt các kiến nghị của cử tri

Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, để giải quyết tốt các kiến nghị của cử tri, tránh xảy ra các điểm “nóng,” phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo, UBND các cấp thành phố cần đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, phân công cụ thể rõ người, rõ việc, rõ tiến độ bảo đảm kịp thời giải quyết các kiến nghị của cử tri.

Đồng thời, tăng cường các đoàn công tác về cơ sở để xử lý những vấn đề nóng, cử tri và nhân dân bức xúc, vấn đề phức tạp tồn đọng kéo dài.

Bên cạnh đó, UBND thành phố chỉ đạo đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật và thiếu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị.

Ngoài ra, UBND từ thành phố đến cơ sở cũng cần lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cử tri đóng góp, hiến kế cho các cấp chính quyền trong thực thi nhiệm vụ, góp phần giải quyết những hạn chế của chính quyền các cấp, nhằm tạo sự tin tưởng của nhân dân vào chính quyền, cùng chung tay xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam chia sẻ rằng, khi những kiến nghị của cử tri không được giải quyết triệt để, sẽ kéo theo phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo và không giải quyết được đơn thư, tiếp tục gây bức xúc, tạo điểm “nóng”, rất khó kiểm soát tình hình. Trên địa bàn thành phố đã có những “bài học” trong việc chậm trễ giải quyết các kiến nghị của cử tri, gây bức xúc, dẫn đến khiếu kiện đông người, vượt cấp, gây mất an ninh trật tự ở địa phương, thành phố.

Vì thế, việc tổng hợp kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri, các đơn vị cũng cần phân công cán bộ có kinh nghiệm, ghi chép tổng hợp rõ ràng, trung thực để chuyển đúng địa chỉ cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai đề xuất, để hạn chế việc cử tri kiến nghị nhiều lần, đối với các cơ quan chức năng, khi trả lời nếu vấn đề đã rõ, khả thi thì cần nêu lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành, phương hướng giải quyết; nếu vấn đề chưa rõ, khó thực hiện cũng cần trả lời cho cử tri biết nguyên nhân khách quan, chủ quan để cử tri chia sẻ.

Theo HNP

Top