Kịp thời ngăn chặn nhiều vi phạm trong bán hàng đa cấp

24/05/2019 4:22 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý, kịp thời ngăn chặn nhiều vi phạm trong bán hàng đa cấp (BHĐC). Đồng thời có những khuyến cáo để người dân tránh rơi vào “bẫy” đa cấp biến tướng.

Nhiều công ty tự mở các lớp hướng dẫn mua hàng đa cấp sai quy định - Ảnh: Internet

Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội đã nhận được phản ánh của người dân về việc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ tổng hợp Sky (địa chỉ số 30, ngõ 3, phố Phạm Tuấn Tài) lợi dụng việc giới thiệu học viên tham gia học tiếng Anh để BHĐC. Sau khi nhận được thông tin, sở đã kiểm tra công ty trên và chuyển hồ sơ vụ việc sang Công an TP Hà Nội xử lý.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ tổng hợp Sky có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng không phải là hàng hóa mà là dịch vụ đào tạo ngoại ngữ. Qua vụ việc cho thấy hoạt động kinh doanh BHĐC đang biến tướng phức tạp.

Trước những diễn biến phức tạp của BHĐC, các cơ quan quản lý, đặc biệt là TP Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động này. Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội tăng cường phối hợp chặt chẽ với các địa phương giám sát việc tổ chức hội nghị giới thiệu sản phẩm, tập huấn cho người BHĐC. Cụ thể, năm 2017 xử lý 8 doanh nghiệp với số tiền phạt 1 tỷ đồng; năm 2018 đã thanh tra 8 doanh nghiệp BHĐC, xử phạt vi phạm hành chính 11 doanh nghiệp và 1 điểm tư vấn dinh dưỡng với số tiền trên 2,8 tỷ đồng. Với sự vào cuộc của các ngành chức năng, Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước trong việc xử phạt doanh nghiệp BHĐC vi phạm.

Nhằm quản lý hoạt động BHĐC trên địa bàn Hà Nội, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Công văn số 2217/UBND-KT về việc yêu cầu các sở, ngành, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm Nghị định số 40/2018/NĐ-CP. Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội tiếp nhận hồ sơ thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo của doanh nghiệp đã được cấp xác nhận đăng ký hoạt động BHĐC trên địa bàn TP; Tổ chức thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật BHĐC; chỉ đạo Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội kiểm tra, giám sát hoạt động BHĐC...

Ngoài ra, để giúp người dân hiểu rõ về mô hình kinh doanh đa cấp, Sở Công Thương thường xuyên đăng tải nội dung tuyên truyền về hoạt động bán hàng đa cấp lên website của Sở, cũng như thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động này; danh sách các DN đã thông báo hoạt động hoặc bị thu hồi giấy phép, hay thông báo chấm dứt hoạt động BHĐC...

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động BHĐC, đến nay đã có 23/30 doanh nghiệp đang hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC. Riêng tại Hà Nội có tới 17 doanh nghiệp BHĐC đăng ký hoạt động theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP. Mặc dù cơ quan quản lý đã tích cực vào cuộc kiểm tra, giám sát thế nhưng BHĐC trái phép đang dần quay lại dưới các hình thức như khởi nghiệp từ tay trắng, huy động vốn, đầu tư bất động sản…

Bích Phương

Top