Ký ức về một thời hoa lửa, hào hùng của Trung tá công an Thủ đô

20/12/2017 4:50 PM

(Chinhphu.vn) - Ký ức về một thời hoa lửa, hào hùng của quân và dân ta vẫn chảy trong huyết mạch của mỗi người dân Thủ đô khi nhắc lại đại thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, nhất là đối với những người từng có mặt trong trận chiến lịch sử ấy, đó sẽ là những ngày tháng không thể nào quên.

Ảnh tư liệu

Trung tá Vũ Xuân Trường (70 tuổi) – nguyên Cảnh sát khu vực thuộc Đồn số 42, Công an Q. Đống Đa xúc động chia sẻ câu chuyện của mình, từng là người đứng trong hàng ngũ của lực lượng Công an nhân dân Thủ đô, trực tiếp cùng các lực lượng vũ trang và người dân Thủ đô suốt 12 ngày đêm kiên cường chiến đấu chống lại cuộc tập kích tổng lực của đế quốc Mỹ 45 năm về trước.

Tỉ mẩn lật từng trang sổ ghi thông tin từ cách đây nhiều năm, Trung tá Vũ Xuân Trường cho biết, Đồn Công an số 42 ngày đó (nay là Công an phường Khâm Thiên) có 23 đồng chí, 3 chỉ huy, 15 cảnh sát khu vực và 5 đồng chí phụ trách trật tự. Cán bộ, chiến sỹ đều còn trẻ, tuổi đời chỉ ngoài 20, chưa lập gia đình, nhưng tất cả đều ý thức được trọng trách, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho trong cuộc chiến khốc liệt với một đế quốc có tiềm lực về kinh tế và quân sự bậc nhất lúc bấy giờ. Khi nhận được lệnh sơ tán, Sở Công an Hà Nội đã phối hợp với các Sở ngành khác và các đơn vị chiến đấu thường trực không quản ngày đêm, bất chấp đạn bom, luôn sẵn sàng chỉ huy trật tự giao thông, giải tỏa tắc nghẽn, tập trung bám tuyến, bám chốt tại các cửa ô Yên Phụ, Đống Mác, Cầu Dền, Đồng Lầm, Chợ Dừa, phà Chèm…các tuyến liên tỉnh lộ số 5, số 6, số 1 và đường liên tỉnh lộ 11 (nay là đường quốc lộ 32) hướng sang các địa bàn phía Đông và Tây, Tây Nam Thủ đô. Cảnh sát khu vực (CSKV) lúc đó là lực lượng nòng cốt tập trung vận động nhân dân đi sơ tán, bảo vệ tài sản của dân khi họ vắng nhà. Mỗi khi có lệnh báo động, CSKV cũng là người khẩn trương vận động nhân dân xuống hầm trú ẩn. Thời điểm ấy, đâu đâu khắp Hà Nội dù ở ven đường, trong nhà, nhà ga… đều có hầm trú ẩn, nhưng không phải lúc nào người dân cũng kịp chạy vào hầm trú khi không lực của Mỹ oanh tạc. Những lúc ấy, người chiến sỹ Công an nhân dân lại thoăn thoắt khắp các ngõ ngách thông báo cho người dân kịp thời lánh bom đạn. 

Trong 12 ngày đêm càn quét vùng trời Thủ đô thì đêm 26/12 là đợt ném bom khốc liệt nhất của không quân Mỹ dội xuống, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là phố Khâm Thiên. Khoảng 22 giờ 30 phút đêm hôm đó, B52 Mỹ ào ạt trút bom xuống khu vực Khâm Thiên khiến nhà cửa, trường học, trạm y tế, nhà máy xí nghiệp, kho gạo...bị thổi bay. Cả một vùng rộng lớn thành bình địa với những hố sâu thăm thẳm. Suốt đêm hôm ấy, dù chưa báo yên nhưng các chiến sỹ Đồn 42 vẫn băng băng dưới mưa bom, bão đạn tiếp cận những điểm bị bom dội sập để cứu dân ra khỏi đống đổ nát. Đêm 26-12, cả Hà Nội và Khâm Thiên đều không ngủ… “Quả bom to nhất rơi vào cống Trắng ngay cạnh hầm có khoảng 200 người trú, đất đá bay tứ tung vùi lấp cả vùng rộng lớn và tạo thành hố sâu. Ngay sau khi quả bom ấy, dù chưa báo yên, nhưng anh em đã chia nhóm nhỏ để tìm kiếm người mắc kẹt. 

Đêm tối như mực, tôi nghe tiếng kêu cứu của người trong xóm bị vùi lấp nửa người trong hầm trú, đầu đầy máu. Cô ấy nặng tới 60kg, còn tôi thua cô ấy tới 10kg, không hiểu vì sao tôi có thể đưa được lên mặt đất”, ông Trường kể lại. Với người chiến sỹ trẻ, chỉ có động lực cứu người mới giúp ông cõng được người phụ nữ ấy trên lưng chạy thoăn thoắt qua nhiều con phố đến gặp chiếc xe chở đồng chí Phó Giám đốc Sở Công an, Đại tá Cáp Xuân Diệm. 

Đồng chí Phó Giám đốc vội vàng xuống xe, đỡ người bị thương lên xe rồi nói: “Việc này đã có tôi lo, anh mau trở vào cứu dân đi, lực lượng cứu trợ sẽ tới trong ít phút nữa”. Vị Trung tá Công an Đồn 42 nói đầy cảm xúc: “Nghe câu nói của ông, tôi như được tiếp thêm sức mạnh cùng các anh em trắng đêm cứu dân. Lúc bấy giờ cam go quá, anh em Công an có nghĩ đến chết đâu. Chưa báo yên mà vẫn lao ầm ầm trong đêm, mong sao đến với dân càng nhanh càng tốt, để kịp thời đưa họ đi cấp cứu”. 

Không chỉ là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc hoạch định phương án bảo vệ sơ tán; mặt khác, để bảo đảm việc tổ chức sơ tán liên tục, thông suốt, an toàn, đem lại niềm tin tuyệt đối với người dân, lực lượng Công an còn trở thành người bạn tin cậy nhất của người dân khi phải xa nhà lánh bom đạn. 

Nhâm nhi ly trà nóng trong thời tiết giá lạnh của đầu Đông, Trung tá Trường hồi tưởng: “Có hàng ngàn người dân phải sơ tán đi các địa phương khác, nhiều người vì lý do khác nhau đã trực tiếp gửi chìa khóa cho anh em chúng tôi trông hộ nhà cửa, tài sản. Dân coi chúng tôi như người trong nhà, tin tưởng tuyệt đối. Khi được dân “giao phó” thêm nhiệm vụ này, chúng tôi vui lắm, anh em đều quyết tâm làm tốt những gì người dân tin tưởng. Khi họ trở về trên môi nở nụ cười cùng lời cảm ơn sâu sắc. Đó là món quà lớn nhất người dân tặng mà chúng tôi không bao giờ quên. 

Tôi còn nhớ, có lần một tổ trưởng dân phố phải sơ tán khẩn cấp, ông ấy không thể mang theo nhiều tem phiếu. Tem phiếu lúc ấy quý hơn cả tiền, lo sợ bị mất, tôi đã ôm cả đống mang về nhà cất giữ giúp. Khi trở về, ông ấy giật mình, thất thần vì không thấy tem phiếu đâu, đi tìm khắp nơi cũng không thấy. Đến khi, thấy tôi ôm đống tem phiếu đến, ông ấy chạy ra ôm chầm lấy tôi vui sướng không tả”. 

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ; Hà Nội đã thay da đổi thịt, khoác lên mình chiếc áo trang hoàng, mang tầm vóc to lớn trong dòng chảy phát triển của lịch sử thế giới; nhưng ký ức về một thời hoa lửa, hào hùng của quân và dân ta vẫn chảy trong huyết mạch của mỗi người dân Thủ đô khi nhắc lại đại thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. 

Tuấn Hà

Top