Làm gì để có nhiều công trình xanh?

13/11/2018 5:17 PM

(Chinhphu.vn) - Xu hướng phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam không chỉ là tiềm năng, cơ hội mà còn là thách thức không nhỏ với ngành xây dựng nói riêng và toàn xã hội. Những đô thị như Hà Nội, TPHCM đang là “miền đất hứa” để phủ rộng được những công trình xanh.

Bán đảo Linh Đàm có vị trí và khung cảnh tự nhiên rất hài hòa, tuy nhiên với áp lực của nhu cầu nhà ở, nhiều không gian kiến trúc không còn được bảo toàn như thiết kế ban đầu - Ảnh: Nguyễn Dũng

Còn nhiều khó khăn

Năm 2017, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã thành lập Ban điều phối Công trình Xanh trong 5 năm với 23 thành viên gồm các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia về Công trình Xanh và lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản lớn. Hiệp hội cũng đã xây dựng chương trình hành động cho 5 năm tới, với mục tiêu góp phần tạo lập nền tảng cơ bản cho việc hình thành một thị trường bất động sản xanh của Việt Nam

Theo ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tuy có sự chuẩn bị như vậy nhưng thực tế việc phát triển công trình xanh hiện nay còn rất nhiều khó khăn. “Ở Việt Nam, khái niệm về Công trình Xanh vẫn còn mới và chưa được nhận thức đầy đủ về lợi ích. Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có nhiều giải pháp kỹ thuật đồng bộ, còn hạn chế trong việc cung cấp sản phẩm vật liệu xanh, hệ thống công nghệ vận hành còn yếu. Đặc biệt, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển Công trình Xanh của Việt Nam còn chưa đầy đủ; chưa có các cơ chế khuyến khích, ưu đãi thích đáng hoặc bắt buộc đối với việc phát triển Công trình Xanh”, ông Chiến cho biết.

Ngoài ra, sự tham gia của các quỹ tài chính, quỹ tiết kiệm năng lượng nhằm khuyến khích phát triển Công trình Xanh còn hạn chế.

Muốn có công trình xanh, theo ông Chiến, đô thị xanh thì chính sách phát triển phải đúng. Quy hoạch là công cụ được áp dụng sau.

Từ thực tế triển khai các công trình xanh, ông Trần Như Trung, Phó Tổng giám đốc Capital House chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn phát triển công trình xanh, mang đến lợi ích cho khách hàng của mình. Nhưng trong quá trình phát triển, chúng tôi thấy mình lầm lũi vì quá khó khăn. Không chỉ chúng tôi mà nhiều công ty ở phía Nam cũng gặp phải tình huống tương tự. Chúng tôi thấy rất nhiều đơn vị cùng cảnh ngộ. Với mong muốn làm công trình xanh rộng rãi hơn nữa, bởi một tòa nhà chưa thể làm xanh cả thành phố, cũng như một cánh én chưa thể làm nên mùa xuân. Vì thế, chúng tôi mong muốn thúc đẩy với sự tham gia của các chuyên gia, sự đồng lòng của doanh nghiệp và cư dân”.

Theo KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, để một công trình xanh hiện diện cần có rất nhiều đơn vị cùng chung tay. Rất nhiều chủ đầu tư đang cố gắng để xây dựng những tòa nhà xanh mà con người sống thoải mái, hạnh phúc.

“Ở đây không chỉ là nhà đầu tư mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhà đầu tư khi bán không thể quan tâm hết được người mua là ai, người dân tộc nào, công việc là gì... Thế nên trong cùng một toà nhà thôi đã có rất nhiều sự va đập xã hội, va đập văn hóa... Thế mới thấy công trình xanh không chỉ là câu chuyện của riêng ai, mà là của mọi người. Nhưng cần có người cầm trịch - là chính quyền đô thị”, KTS Tùng nhìn nhận.

Từ câu chuyện Bán đảo Linh Đàm

Phó giáo sư, KTS, Nguyễn Hồng Thục, Ủy viên Hội đồng Trung ương, thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam là người thiết kế kiến trúc khu vực bán đảo Linh Đàm, kể lại, khi nhận thiết kế khu vực có cảnh quan thiên nhiên khá đặc biệt này đã phải tìm hiểu rất nhiều để tìm ra tim mô hình ở này.

“Thời kỳ đó, người dân còn chê chung cư, đều tìm đến nhà thấp tầng. Từ năm 1996 đến giờ, 22 năm, đô thị hóa ở Việt Nam đi hết từ sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác. Người dân bắt đầu yêu thích ở chung cư, nhà cao tầng. Đô thị Việt Nam dần dần tích tụ được một số lượng lớn lao động trẻ và tầng lớp nghiên cứu. Và đô thị mọc lên như nấm, chúng ta bắt đầu bước vào khủng hoảng đô thị. Chúng ta đứng trước khủng hoảng đô thị là khủng hoảng môi trường sống. Vì thế, để xây dựng một đô thị tốt, chúng ta cần sự góp sức không chỉ là chính quyền, mà còn cần giới chuyên môn, những người dân và doanh nghiệp”, PSG Thục khẳng định.

Đến nay, công nghệ cơ bản đã đáp ứng được thực tiễn. Bản thân các doanh nghiệp đã trưởng thành. Theo PSG Nguyễn Hồng Thục, hiện nay môi trường nhà ở cần đến sự liên kết. Gần như từ chính quyền, người dân đều mong đến những công trình xanh. Tuy nhiên, bản chất của từ xanh trong các công trình có chuyển động thật sự hay không?

“Khi định nghĩa về đô thị xanh, từ những năm 60, mới có automust house - tự làm ra điện, ra nước, tạo ra bảo ôn cho công trình... đã là vĩ đại rồi. Nếu đi thăm công trình xanh đầu tiên ở Nottingham, chúng ta vẫn thấy ngưỡng mộ. Cho đến bây giờ, gần như ở Việt Nam đang thịnh hành công trình xanh ở giai đoạn 1, nhưng lại không thể bắt kịp với tốc độ như vũ bão của đô thị hóa. Toàn bộ thanh niên trong độ tuổi lao động dồn về đô thị. Chúng ta trồng rất nhiều cây trên mặt đứng, dùng đến công nghệ. Thế nhưng công nghệ xanh không ăn thua đối với Việt Nam. Ở một đất nước mà người ta rời bỏ ngay làng quê để đến đô thị thì ý thức con người có lẽ đóng vai trò lớn”, KTS Thục nêu thực tế.

Theo bà Thục, đô thị bắt buộc phải được liên kết bằng không gian và chống lại đô thị cho xe cơ giới. “Tôi chọn định nghĩa đô thị xanh của chúng ta thứ nhất là các công trình thích ứng và tiết kiệm năng lượng. Thứ hai là tạo tối đa không gian mở, liên kết trong đô thị để người dân giảm ô tô, khói bụi... ở đô thị. Khi đến Capital House tôi đã rất ngạc nhiên với công trình này, mọi thứ đều được chăm chút rất tỉ mỉ và sạch sẽ. Thứ ba là, làm xanh gì cũng là chuyển đổi về tư duy và lối sống. Ở Việt Nam rất cần sự đồng thuận của xã hội”, bà Thục khẳng định.

Như vậy, 3 yếu tố quan trọng để làm nên một công trình xanh: Một là công trình tiết kiệm nhiên liệu, hai là không gian mở, ba là con người cần thay đổi tư duy.

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, người đã gắn bó suốt cả sự nghiệp với Hà Nội nhìn nhận: “Nhà đầu tư có rất nhiều áp lực từ vốn, chính sách... cần kiến nghị Nhà nước. Tôi cho rằng, nếu làm công trình xanh sẽ được rất nhiều lợi ích và cộng đồng sẽ được hưởng lợi ích đó. Từ đó, nhà nước sẽ có những khuyến khích để nhà đầu tư làm công trình xanh. Nhà nước phải nhắm đến đơn vị nào đầu tư xanh thì ưu tiên cho bên đó. Nhà nước cần có nhiều chính sách khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng công trình xanh. Ngay chính sách vay, hình thức vay cũng cần tạo ra cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư”.

Ông Chiến cũng khuyến nghị: “Một điều nữa pháp luật cũng phải bắt buộc như có những khu vực cấp cho 20 ha chẳng hạn, quy định 5 - 7% xây dựng phải đạt tiêu chí công trình xanh, không phải thích thì xây, không thích thì thôi”.

Nguyễn Dũng

Top