Làng nghề Thủ đô gặp khó do ảnh hưởng của COVID-19

14/08/2021 7:29 AM

(Chinhphu.vn) - Trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các làng nghề truyền thống Hà Nội chịu không ít tác động. Đặc biệt, hiện nay, khi Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, các làng nghề bị đứt gãy chuỗi sản xuất, thiếu nguyên liệu, lao động ngừng việc… khiến sản xuất càng khó khăn hơn.

Ảnh minh họa

Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước. Trong số khoảng 5.400 làng nghề ở Việt Nam, Hà Nội chiếm tới 1/3 (với khoảng 1.350 làng nghề). Do tác động của đại dịch COVID-19, thời gian qua, các hộ kinh doanh làng nghề gặp nhiều khó khăn chồng chất. Mặc dù các đã nỗ lực xoay chuyển, thích nghi trước những tác động của dịch bệnh, nhưng đến nay khá nhiều hộ vẫn phải thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất.

Làng nghề mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ) vốn được biết đến là làng nghề nổi tiếng Hà Nội cũng như cả nước, với các sản phẩm gia dụng và thủ công mỹ nghệ. Nếu như trước kia, Phú Vinh hoạt động sôi động ngày đêm với các đơn hàng phục vụ trong nước, xuất khẩu thì khi dịch COVID-19 bùng phát, làng nghề rơi vào tình trạng sản xuất đình trệ. Các đối tác ngừng nhập hàng, hàng sản xuất ra phải lưu kho, nên đa phần các cơ sở sản xuất phải tạm đóng cửa.

Hay như làng gốm Bát Tràng vốn được biết đến là làng nghề truyền thống hơn 500 năm tuổi đời, nổi tiếng ở Hà Nội cũng như khắp cả nước với sản phẩm gốm gia dụng và gốm thủ công mỹ nghệ. Làng có hơn 1.000 hộ thì có tới 700 hộ làm nghề gốm, trong đó 400 hộ có lò nung. Số còn lại làm các dịch vụ như làm mầu, làm hoa nổi, vẽ thủ công và trung chuyển buôn bán tại các gian hàng giới thiệu sản phẩm trong khu chợ trung tâm của làng nghề. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, làng nghề rơi vào tình trạng sản xuất đình trệ. Các đối tác nước ngoài ngừng nhập hàng, hàng sản xuất ra phải lưu kho, nên đa phần các cơ sở sản xuất phải tạm đóng cửa.

Là chủ một cơ sở sản xuất gốm tại làng Bát Tràng, ông Phạm Phúc Nguyên chia sẻ, hiện hầu hết các cơ sở chỉ duy trì sản xuất nhỏ giọt. Để bảo đảm sức khỏe phòng dịch, mọi người cũng ý thức được việc hạn chế giao tiếp trong giờ làm, đeo khẩu trang và đặc biệt không sử dụng đồ chung với người khác.

“Hiện tại, cơ sở chỉ duy trì sản xuất cầm chừng, một vài gian hàng chỉ mở để giữ mối còn lại tập trung chủ yếu vào việc bán hàng online và giao liên tỉnh”, ông Nguyên nói.

Cùng chung tình cảnh bị ảnh hưởng do dịch bệnh, các hộ sản xuất tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) cũng sản xuất cầm chừng. Tranh thủ thời gian này, họ tìm kiếm, sáng tạo thêm mẫu mã mới, tìm hiểu công nghệ dệt, nhuộm màu giữ được độ bền đẹp cho sản phẩm.

Do đó nhiều doanh nghiệp mong muốn, Thành phố có chính sách ưu tiên trong đợt giãn cách xã hội, để làng nghề có thể duy trì hoạt động bình thường; tạo điều kiện cấp luồng xanh cho các xe chở hàng hóa, nguyên vật liệu; ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tất cả công nhân đang làm việc tại làng nghề...

Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho rằng, các địa phương trên địa bàn Thành phố cần triển khai nhanh gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người lao động làng nghề trong lúc khó khăn này. Đặc biệt, ngân hàng tiếp tục xem xét nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn.

Thực tế, thời gian qua, Hà Nội đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ cho các làng nghề duy trì và phát triển như: Chính sách phát triển các ngành nghề nông thôn, hỗ trợ kinh phí công nhận danh hiệu làng nghề. Trong năm 2020, Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã cho 29 dự án tại các làng nghề Hà Nội với số vốn trên 9,7 tỷ đồng.

Cùng với đó, Hà Nội đang đẩy mạnh triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm, sẽ giúp các làng nghề của TP. Hà Nội gia tăng giá trị, thu nhập cũng như nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề.

Có thể thấy, Chính phủ đã và đang có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nói chung và tại các làng nghề trên cả nước nói riêng. Bên cạnh đó, các bộ ngành, sáng kiến thành lập nhóm và bán hàng qua mạng xuất hiện tại các làng nghề cho thấy những nỗ lực vực dậy làng nghề thời hậu COVID-19 đang rất được quan tâm. Đây cũng chính là động lực giúp doanh nghiệp làng nghề vượt khó trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Bích Phương

Top