Làng nghề truyền thống ‘vượt khó’ dịch Covid-19

02/04/2020 12:49 PM

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh chung bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn cả nước nói chung, Thủ đô nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó không thể không kể đến những khó khăn của các làng nghề truyền thống như làng gốm cổ Bát Tràng (Gia Lâm), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông)... mà vốn vẫn được coi là điểm đến hấp dẫn của du khách.

Nhiều sản phẩm nghề truyền thống chuyển hướng bán online. Ảnh: Diệu Anh

Trong những ngày cao điểm của Hà Nội hạn chế tối đa việc đi lại do dịch bệnh, theo ghi nhận của phóng viên tại làng gốm Bát Tràng, hầu hết các gian hàng dọc hai bên đường và trong chợ đều vắng tanh. Hàng loạt các gian hàng đóng cửa, chỉ có một vài gian hàng cầm cự để giữ mối thì  tập trung chủ yếu vào việc bán hàng online.

Hoạt động kinh doanh tại Bát Tràng thường sôi động nhất là 3 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm. Dịch Covid-19 không chỉ khiến hoạt động giao thương gần như ngưng trệ, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động tổ chức sản xuất của các cơ sở. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chỉ hoạt động cầm chừng. Hoạt động giao thương ở đây gần như tê liệt. Sản xuất ngừng trệ, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Các đầu mối bán hàng trong nước giao dịch cũng rất chậm, những đơn đặt hàng từ nước ngoài thì bị chững lại. Công nhân nghỉ làm gần hết. Sản lượng làm ra rất thấp.

Cũng bởi sự ảnh hưởng của dịch bệnh mà nhiều ngày nay, gian hàng gốm sứ của bà Nguyễn Thị Dung (56 tuổi) không có khách. Sản lượng bán ra cũng vì thế mà chậm hơn, chỉ tương đương 1/3 so với thời điểm cùng kỳ. Bà Dung cho biết, từ khi có dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh của cửa hàng bị xáo trộn. Nhưng để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, tất cả chúng tôi đã đóng cửa và ở trong nhà đẩy hàng bán online để giữ một số mối quen.

Ông Phạm Phúc Nguyên, chủ một cơ sở sản xuất gốm tại làng Bát Tràng cho biết, hiện hầu hết các cơ sở chỉ duy trì sản xuất nhỏ giọt. Để đảm bảo sức khỏe phòng dịch, mọi người cũng ý thức được việc hạn chế giao tiếp trong giờ làm, đeo khẩu trang và đặc biệt không sử dụng đồ chung với người khác.

Không chỉ riêng tại làng nghề Bát Tràng, mà tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) cũng rơi vào tình trạng đìu hiu. Nhiều cửa hàng ở đây cũng chuyển sang bán online qua facebook, zalo,... Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ một cửa hàng lụa chia sẻ, ngày từ khi dịch Covid-19 xảy ra, cửa hàng buôn bán rất ế ẩm, có khả cả ngày không có một khách hàng ghé qua. Chính vì vậy, chị và một số tiêu thương đã đăng bán trên mạng nhưng lượng tiêu thụ không đáng là bao.

Bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn trong tình hình hiện nay, ông Hà Văn Lâm, Phó Ban đại diện làng gốm Bát Tràng cho biết: “Hiện các tổ chức sản xuất kinh tế của làng nghề đang tích cực động viên nhau ổn định tư tưởng, cố duy trì sản xuất ở mức độ ổn định để giữ vững mặt hàng. Đây cũng là giai đoạn để các doanh nghiệp, hộ sản xuất rà soát lại quy trình, vừa ổn định sản xuất, vừa nghiên cứu các mẫu mã mới để những tháng cuối năm có điều kiện sản xuất tốt hơn”.

Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, để Bát Tràng thực sự trở thành điểm mạnh kinh tế của Hà Nội thì cần phải có những hướng đi tổng thể. Phải thống nhất từ khâu nguyên liệu đầu vào, đến đầu ra, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó là phải phối kết hợp tổng thể giữa sản phẩm với du lịch, để du khách, khách hàng có thể vừa trải nghiệm, vừa giao lưu, kết hợp ẩm thực...

Trong bối cảnh khó khăn chung bởi dịch bệnh, ông Dần đề xuất, các làng nghề, các nghệ nhân, các thợ thủ công trước hết phải định hình và chủ động đưa ra những đề xuất cụ thể về hướng đi, nguồn nguyên liệu cho tới nhân lực, đầu ra... Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải có chính sách cho nghệ nhân, đặc biệt là nghệ nhân trẻ tuổi. Bởi đây là nguồn lực chính, là nền tảng để giữ vững vị thế các làng nghề truyền thống Thủ đô.

Diệu Anh

Top