Liên kết giúp doanh nghiệp trụ vững trên ‘sân nhà’

01/02/2019 11:01 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, việc kết nối giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành đã góp phần thiết lập chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; đồng thời giúp các doanh nghiệp trong nước trụ vững hơn trên “sân nhà”.

Kết nối hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành. Ảnh: Thùy Linh

Đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, Hà Nội không chỉ là thị trường bán lẻ sôi động với hơn 10 triệu dân, có nhu cầu lớn về các mặt hàng thực phẩm an toàn, mà còn là trung tâm bán buôn, nơi các doanh nghiệp đầu mối lớn có thể xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Trong khi đó, nhiều tỉnh khu vực phía Bắc có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, nhiều nông sản chất lượng tốt, nhưng do sản xuất thiếu quy hoạch, không kết nối với thị trường, dẫn đến nhiều thời điểm cung vượt cầu, gây tình trạng ế thừa, nông dân bị thiệt hại...

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, khảo sát tại các địa phương cho thấy, nhiều sản phẩm nông nghiệp, đặc sản vùng miền có chất lượng tốt, nhưng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch, không kết nối với thị trường, sản phẩm chưa có thương hiệu, thiếu chỉ dẫn địa lý. Nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm chưa hấp dẫn..., nên không đủ tiêu chuẩn đưa vào tiêu thụ trong các hệ thống phân phối hiện đại tại Hà Nội.

Ðể giúp các địa phương, doanh nghiệp khắc phục những hạn chế này, TP Hà Nội đã triển khai kế hoạch hợp tác toàn diện, trọng tâm là hỗ trợ đẩy mạnh khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm của các địa phương tại Hà Nội và ngược lại. Từ đó, giúp các địa phương thiết lập chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chia sẻ thêm về chương trình phát triển thị trường trong nước, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, Trung tâm đã phối hợp cùng các doanh nghiệp phân phối bán lẻ lớn của Hà Nội tư vấn hỗ trợ các địa phương thiết kế mẫu mã, bao bì, đóng gói, lấy giấy chứng nhận kiểm định chất lượng sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc để hàng hóa đủ tiêu chuẩn đưa vào kênh phân phối hiện đại trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Hà Nội đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến nông sản tại các địa phương, tạo nguồn hàng bền vững. Bà Phùng Thị Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần GreenPath Việt Nam - đơn vị ứng dụng 100% chế phẩm sinh học vào chăm bón sản phẩm nông nghiệp chia sẻ, vụ nhãn năm nay, công ty đã xuất khẩu nhãn Sơn La sang thị trường Mỹ, được bạn hàng đánh giá cao về chất lượng.

“Với thành công này, công ty quyết định đầu tư một nhà máy chế biến, bảo quản hoa quả tại huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) để xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, mở ra những cơ hội mới cho sản phẩm trái cây vùng Tây Bắc”, bà Hương cho biết.

Không những vậy, nhằm giúp người tiêu dùng tìm hiểu, nhận biết hàng Việt năm 2018, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp đã tổ chức 114 đợt bán hàng Việt về nông thôn, hơn 150 lượt khuyến mại; tổ chức 115 hội chợ, triển lãm hàng Việt. Đáng chú ý, đến nay đã xây dựng được hơn 100 điểm bán hàng Việt Nam cố định tại gần 60 tỉnh, thành trên cả nước.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam chia sẻ, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay thay đổi cách nghĩ, cách làm của nhiều doanh nghiệp khi trân trọng thị trường nội địa, quan tâm đến chất lượng thương hiệu.

Thực tế cho thấy thông qua Cuộc vận động, các cuộc kết nối giao thương mà nhiều doanh nghiệp địa phương đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất những sản phẩm đặc trưng và hình thành vùng sản xuất tập trung. Qua đó, đóng góp phần nào đó trong việc cạnh tranh với sản phẩm hàng ngoại, giữ ổn định hàng Việt ngay tại sân nhà.

Thùy Linh

Top