Liên kết tiêu thụ sản phẩm mới tránh được mùa mất giá

27/11/2018 3:00 PM

(Chinhphu.vn) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, xảy ra việc được mùa rớt giá hay không phụ thuộc nhiều vào việc liên kết tiêu thụ sản phẩm. Việc này đòi hỏi vai trò chính quyền địa phương, các Sở liên quan và sự liên kết của các hộ dân.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Gia Huy

Sáng 27/11, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội do Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội làm Trưởng đoàn đã tiếp xúc cử tri huyện Chương Mỹ nhằm báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, các cử tri chia sẻ sự phấn khởi, tin tưởng vào kết quả kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XVI đã thành công tốt đẹp, có nhiều đổi mới trong công tác chất vấn, mọi ý kiến chất vấn đều hướng tới lợi ích quốc gia, dân tộc. Công tác nhân sự tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

Kiến nghị nhiều vấn đề dân sinh

Nêu vấn đề về sản xuất nông nghiệp, cử tri Hoàng Văn Toàn (thị trấn Trúc Sơn) chia sẻ về thực trạng ngành trồng trọt còn đang manh mún, nhỏ lẻ, tiếp thu ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn, do đó năng suất, chất lượng chưa đủ cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là với hàng hóa ngoại nhập.

Cử tri kiến nghị Trung ương, Thành phố quan tâm hơn nữa đến phát triển nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm; quan tâm công tác quản lý, điều tiết giá cả thị trường nhất là nông sản thực phẩm để người dân yên tâm sản xuất, không tái diễn tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa"; phân cấp cho Ủy ban cấp huyện phê duyệt dự án cung cấp theo chuỗi để tạo điều kiện người sản xuất nhanh chóng tiếp cận các dự án. Có chính sách hỗ trợ tổ chức, đơn vị tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi để tạo động lực cho phát triển sản xuất, có chế tài các đơn vị vi phạm tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi.

Đại diện cho các xã bị ngập lụt năm 2018, cử tri Nguyễn Văn Vĩnh (xã Nam Phương Tiến) nêu ý kiến, do địa hình, mùa mưa bão huyện Chương Mỹ bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, gây ngập lụt cho 8 xã trong 2 năm liên tiếp. Năm 2018 do ảnh hưởng bởi lũ, xã Nam Phương Tiến là xã bị ngập nặng. Huyện đã chủ động khắc phục, không để dịch bệnh xảy ra, kết hợp phun thuốc khử trùng, hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất.

Cử tri đề nghị Trung ương, Thành phố quan tâm giúp đỡ huyện chủ động đối phó, phòng chống thiên tai; đầu tư dự án thoát lũ, đầu tư kinh phí nâng cấp các tuyến đê; đầu tư các công trình thoát lũ như trạm bơm, cầu cống, nâng cấp cốt đường liên thôn để khi lũ tràn về người dân có dường đi lại. Về lâu dài cử tri đề nghị Thành phố quan tâm quy hoạch di dời người dân vùng lũ sang vùng cao hơn, quy hoạch di dời trụ sở làm việc của các xã sang vùng không bị ngập lụt...

Trong xây dựng nông thôn mới, cử tri Vũ Văn Mệnh, xã Quảng Bị cho biết, huyện Chương Mỹ có dân số đông, toàn huyện có 22/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Cử tri cho biết xây dựng nông thôn mới còn khó khăn chủ yếu là tiêu chí giao thông, trường học tại các xã chưa đạt chuẩn. Cử tri kiến nghị Thành phố đầu tư kinh phí để huyện hỗ trợ các xã còn lại đầu tư giao thông, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho trường học.

Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội tiếp xúc cử tri huyện Chương Mỹ

Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến chất lượng cũng như các kiến nghị của cử tri, cho thấy cử tri theo sát hoạt động của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội của Thành phố.

Trả lời ý kiến cử tri về xây dựng tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, tới đây HĐND Thành phố sẽ ban hành Nghị quyết gồm 12 chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.

Theo Bí thư Hà Nội, Thành phố đã xây dựng và thành công với 125 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Sự thành công trong liên kết tiêu thụ sản phẩm là do phối hợp giữa Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, địa phương và một số doanh nghiệp. Chính vì vậy, Bí thư Thành ủy cho rằng, các địa phương cần chủ động làm việc với các Sở chuyên ngành để xây dựng các chuỗi sản phẩm; bên cạnh đó phải quy hoạch được vùng sản xuất để bảo đảm được quy mô sản xuất. Mô hình liên kết này còn cần kêu gọi các hộ dân liên kết để có các vùng sản xuất lớn hơn.

"Việc có để xảy ra được mùa mất giá hay không chính là việc có liên kết tiêu thụ sản phẩm tốt hay không. Bên cạnh đặt ra tiêu chí phục vụ thị trường trong Thành phố thì liên kết tiêu thụ sản phẩm phải đặt mục tiêu xuất khẩu, đáp ứng thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn nữa", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Đối với kiến nghị cử tri tại các xã bị ngập mùa lũ của huyện Chương Mỹ, Bí thư Thành ủy cho biết, Thành phố đã có quy hoạch một loạt dự án ngắn hạn nhằm chống lũ ngay trong năm 2019 và dài hạn là chống lũ cho giai đoạn sau năm 2020 với mục tiêu làm thế nào để sống chung với lũ và phát triển bền vững. Theo Bí thư Hà Nội, Thành phố phải chuẩn bị căn cơ hơn để ứng phó với tình hình lũ lụt bởi do biến đổi khí hậu không thể mong chờ mưa giảm đi vào các năm tới.

Với kiến nghị di dời người dân vùng lũ ra vùng khác, Bí thư Hà Nội cho biết, chọn vùng đất bảo đảm cho khu dân cư và trụ sở các cơ quan bền vững thì phải tính đến vùng sản xuất kèm theo việc di dân... Tất cả việc này về dài hạn Thành phố tiếp tục cần phải nghiên cứu căn cơ hơn để bảo đảm cuộc sống người dân.

Tiếp thu ý kiến cử tri về hạ tầng giao thông một số xã xây dựng nông thôn mới còn yếu, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết các chỉ tiêu nông thôn mới sẽ tiếp tục nâng cấp qua từng năm, phụ thuộc vào tình hình thực tế phát triển. Trong chương trình đầu tư xây dựng nông thôn mới, Thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn cho các địa phương còn gặp khó khăn cân đối vốn cho xây dựng nông thôn mới.

Gia Huy

Top