Lo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao

21/08/2018 2:43 PM

(Chinhphu.vn)-Tại các cuộc tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, nỗi lo của người nông dân trên địa bàn hiện nay là làm sao để kiểm soát chất lượng và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch, đồng thời làm thế nào để tìm đầu ra cho các sản phẩm này.

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu cung cấp sản phẩm thô tới người tiêu dùng, việc tiêu thụ phần lớn thông qua các tiểu thương thu gom sản phẩm, hoạt động liên kết sản xuất của người dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp còn hạn chế. 

Bên cạnh đó, hoạt động sơ chế, chế biến, kênh tiêu thụ sản phẩm, tiêu dùng vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống nên chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, thiếu nhãn mác để nhận diện sản phẩm, do vậy chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp và an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát triệt để, giá cả bấp bênh, sản xuất kém hiệu quả, thiếu ổn định bền vững.

Trước khó khăn này, UBND Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Thủ đô, trong đó tập trung vào hai giải pháp tăng cường chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và kết nối xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Toàn thành phố đã xây dựng 105 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó 65 mô hình ứng dụng công nghệ cao về trồng trọt, 34 mô hình ứng dụng công nghệ cao về chăn nuôi, 4 mô hình ứng dụng công nghệ cao về thủy sản và 2 mô hình ứng dụng công nghệ cao về bảo quản chế biến. Hình thành 80 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Trong đó các chuỗi có nguồn gốc động vật đã thu hút 3.000 hộ chăn nuôi, khoảng 120 doanh nghiệp/cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn, cung cấp thuốc thú y, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tham gia hợp tác xây dựng chuỗi; xây dựng được 5 nhãn hiệu tập thể: gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, trứng vịt Liên Châu, 13 nhãn hiệu hàng hóa, 1 nhãn hiệu được chứng nhận. Diện tích rau VietGAP đạt 224 ha và gần 50 ha rau hữu cơ. Trong đó đã thí điểm cấp 11 giấy xác nhận cho 11 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 21 điểm kinh doanh thực phẩm.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn Thành phố trong công tác kết nối, tiêu thụ sản phẩm tại các kênh phân phối: siêu thị, chuỗi thực phẩm, sàn giao dịch, chợ, chế biến, xuất khẩu..., Thành phố Hà Nội cũng đã triển khai nhiều hình thức và giải pháp tích cực trong thời gian qua.

Đó là hỗ trợ công tác tuyên truyền thông qua các hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ, triển lãm; phối hợp với các báo đài xây dựng các phóng sự, tin bài, chương trình tuyên truyền về công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, tuyên truyền công tác kết nối tiêu thụ nông sản và chuỗi tại các tỉnh.

Xây dựng chương trình chuỗi cung ứng rau, thịt cho Thành phố với 21 tỉnh thành phía Bắc, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội, Sở Y tế, Sở Công Thương tổ chức Tuần lễ ATTP Tết nhằm giới thiệu các nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền đến người tiêu dùng Thủ đô; tổ chức các đoàn công tác kết nối xây dựng, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, tiếp và làm việc với các tỉnh thành trên toàn quốc.

Tiếp tục thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp gỡ khó

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian tới, để phát huy các thế mạnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp như tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền quảng bá sâu rộng các vùng sản xuất, các sản phẩm an toàn, các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng; các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các cách làm hay, các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả của các địa phương, của nông dân để cùng học hỏi và phát triển;

Đồng thời tuyên truyền làm thay đổi tư duy, thói quen của người sản xuất trong việc sản xuất phải gắn với thị trường, không sản xuất tràn lan hoặc ngừng sản xuất khi chưa có khuyến cáo của các cơ quan quản lý nhà nước; sản xuất các sản phẩm an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của ATTP để ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững;  

Phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ cung cấp, dự báo thông tin tình hình thị trường, giá cả nông sản hàng tháng hoặc theo mùa vụ trên các phương tiện; nắm chắc thông tin thị trường cung cầu hàng hóa nông sản  để làm cơ sở giúp các nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp điều chỉnh nghiên cứu, sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường và chủ động tìm đầu ra cho nông sản, ổn định giá cả, thị trường  góp  phần thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố. 

Hàng quý, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với ngành NN&PTNT tiến hành rà soát danh mục sản phẩm nông sản thực phẩm địa phương cần kết nối vào các kênh phân phối: siêu thị, chuỗi thực phẩm, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu; cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối để tổ chức kết nối, tiêu thụ.

Đặc biệt kết nối các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn ... ký kết hợp đồng lâu dài ngay từ đầu năm với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất của thành phố Hà Nội, đảm bảo số lượng, thời gian bao tiêu sản phẩm cho các đơn vị để chủ động kế hoạch sản xuất. Hướng dẫn các đơn vị cung ứng tổ chức sản xuất các sản phẩm phù hợp mẫu mã, thị hiếu người tiêu dùng, định hướng xuất khẩu.

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã cần chủ động phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan của Trung ương và Thành phố để giúp xã, các đơn vị sản xuất xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản có lợi thế của Thành phố. Các doanh nghiệp, các hộ sản xuất, các địa phương phải có trách nhiệm bảo vệ, xây dựng các thương hiệu đã được công nhận ngày càng phát triển và  được quảng bá sâu rộng tới người tiêu dùng trong cả nước và nước ngoài.

Tăng cường ứng dụng CNTT vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, sàn giao dịch thương mại điện tử...cho các sản phẩm. Thí điểm ứng dụng hệ thống phần mềm thông tin điện tử trong quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tươi sống bằng tem điện tử mã QRcode…

Đồng thời đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, nhà sơ chế, chợ đầu mối nông sản nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm nông sản của địa phương theo các cơ chế, chính sách hỗ trợ đã ban hành.

Minh Anh

Top