Lợi thế từ nhãn hàng “thực phẩm sạch”

18/09/2018 5:19 PM

(Chinhphu.vn) - Một nhãn hàng “thực phẩm sạch” giúp khách mua hàng phân biệt được thực phẩm sạch với thực phẩm thông thường trên kệ hàng siêu thị, mặt khác nó cũng mang lại lợi thế so sánh cho những người sản xuất chấp nhận thực hiện chuẩn sạch so với các phương pháp sản xuất không được kiểm định khác.

Tại các siêu thị lớn thường có mã QR trên các sản phẩm để người mua có thể truy xuất nguồn gốc. Ảnh: An Khuê

Tiêu chuẩn thực phẩm sạch là gì?

Về bản chất là giấy chứng nhận cấp cho người sản xuất trong việc đảm bảo một số tiêu chí về canh tác và sản xuất sạch, đủ để được phép dán nhãn thực phẩm sạch khi bán trên thị trường. Nó có ý nghĩa hai chiều để bảo vệ cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Hai tiêu chuẩn phổ biến hiện nay nhất là: Tiêu chuẩn GAP(Good Agricultural Practices): Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt; Tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ.

Theo tài liệu của FAO 2003 - GAP là “các quá trình thực hành canh tác chế biến tại trang trại hướng tới sự bền vững về môi trường, kinh tế-xã hội và kết quả là an toàn, chất lượng của thực phẩm, các sản phẩm nông nghiệp không phải là thực phẩm”. Mỗi quốc gia thường có một bộ tiêu chuẩn, nguyên lý và quy định thực hiện GAP khác nhau, của Việt Nam gọi là VietGAP còn của khu vực châu Âu được đưa lên thành GlobalGAP. Đây là hai tiêu chuẩn GAP được dùng phổ biến nhất ở nước ta hiện nay.

Khi tham gia các tiêu chuẩn này, người làm nông nghiệp phải chấp nhận một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt trong quá trình sản xuất của họ, từ lúc chuẩn bị chuồng trại, đất, hạt giống, dụng cụ… cho đến lúc thu hoạch và đóng gói.

ISO 14001 được xây dựng nhằm tạo ra một hệ thống quản lý để giúp các tổ chức giảm bớt những tác động tiêu cực của mình tới môi trường. Tiêu chuẩn này cung cấp một khung chuẩn cho các tổ chức nhằm chứng minh những cam kết của mình về các vấn đề môi trường. Tiêu chuẩn ISO 14001 được áp dụng rộng rãi cho mọi công ty, tổ chức, nhà sản xuất trên toàn thế giới. Đối với thực phẩm thì nó không hẳn là một tiêu chuẩn chứng nhận về chất lượng mà chỉ chứng nhận nơi sản xuất thực phẩm đó thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường mà thôi.

Tiêu chuẩn về thực phẩm hữu cơ liên quan đến việc tư liệu sản xuất và nguyên liệu sản xuất của toàn bộ hệ thống canh tác phải là các sản phẩm hữu cơ. Tiêu chuẩn này giúp loại bỏ các loại cây, con giống biến đổi gien và các loại phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn hóa học. Trên thế giới hiện nay có 3 tiêu chuẩn organic khó nhất là USDA Organic của cục nông nghiệp Mỹ, EU Organic Farming của liên minh châu Âu, và Organic JAS của Nhật Bản. Theo đó các quy định của Mỹ và Châu Âu chỉ chứng nhận tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ với các sản phẩm có thành phần hữu cơ trên 97%.

Hiện nay ở Việt Nam, phổ biến nhất vẫn là các tiêu chuẩn VietGAP và GlogalGAP, các tiêu chuẩn về thực phẩm hữu cơ vô cùng hiếm và chủ yếu chỉ tìm được ở các sản phẩm nhập khẩu. Tiêu chuẩn ISO 14001 mang mục đích tham khảo nhiều hơn, nhất là cho các loại thực phẩm chế biến vì nó có liên quan đến hệ thống cơ sở hạ tầng nhiều hơn là ở phương diện trồng trọt, sản xuất.

Bộ tiêu chí thực phẩm sạch tại Hà Nội

Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 3594/QĐ-UBND về bộ Tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội. Quyết định này thay thế cho Quyết định số 5996/QĐ-UBND ngày 28-8-2017.

Theo đó, bộ Tiêu chí chấm điểm gồm 25 tiêu chí áp dụng tại quận, huyện, thị xã và 23 tiêu chí áp dụng tại xã, phường, thị trấn với thang điểm chuẩn là 100 điểm và có thêm các tiêu chí phụ để xét điểm thưởng (5 điểm) hoặc điểm trừ (10 điểm) để xem xét xếp hạng.

Một số tiêu chí nổi bật để chấm điểm gồm: Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; hoạt động của Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm; xây dựng mô hình điểm; xử lý vi phạm; công khai các cơ sở không thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm...

Với bộ tiêu chí này, những quận, huyện, thị xã hay xã, phường, thị trấn đạt từ 95 điểm trở lên sẽ đạt loại xuất sắc; từ 90 đến 95 điểm đạt loại tốt, từ 70 đến 90 điểm đạt loại khá và dưới 70 điểm đạt loại trung bình.

Tuy nhiên, nếu để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm (từ 30 mắc trở lên) hoặc tử vong do ngộ độc thực phẩm sẽ bị trừ (5 điểm) hoặc báo cáo, xử lý ngộ độc thực phẩm chậm sau khi biết tin (trên 24 giờ), không kịp thời hoặc phối hợp không tốt cũng sẽ bị trừ (5 điểm).

Tuy nhiên, dưới góc độ người tiêu dùng nếu muốn đảm bảo tiếp cận được thực phẩm sạch thì cách thiết thực nhất đó là tra mã QR trên sản phầm.

Để giúp khác hàng tin tưởng và yên tâm sử dụng sản phẩm của mình, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ rằng việc minh bạch thông tin và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm là vô cùng quan trọng và cần thiết. Thế nhưng làm thế nào lại là một câu hỏi lớn cần đặt ra.

Đúng với chức năng là một mã vạch 2 chiều thông minh, QR Code truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng chỉ bằng 1 hành vi quét đã có được thông tin về nguồn gốc sản phẩm “nằm gọn” trên chiếc Smartphone. Và chiều ngược lại, các doanh nghiệp, nhà sản xuất tiết kiệm chi phí, thời gian, nguồn lực tối đa cho quảng cáo, PR về nguồn gốc sản phẩm đến người tiêu dùng.

Mặt khác, QR Code truy xuất nguồn gốc tạo nên một tâm lý “tích cực” cho người tiêu dùng, đó là “quyền” được tự mình tra cứu về nguồn gốc sản phẩm một cách chủ động khách quan và đồng thời giúp doanh nghiệp “ghi điểm” với khách hàng về tính minh bạch, công khai của nguồn gốc sản phẩm, qua đó tăng độ uy tín của doanh nghiệp, thúc đẩy hành vi mua hàng.

Các cơ quan chức năng cũng đã nắm bắt nghiên cứu và triển khai những chiếc tem QR Code truy xuất nguồn gốc nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Thực tế, ở Hà Nội và TP. HCM đã có nhiều đơn vị tiên phong ứng dụng QR Code trong việc minh bạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiêu biểu như siêu thị Metro, Hapro, Thực phẩm hữu cơ Orfarm…

An Khuê

Top