Minh chứng cho hoạt động xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động

21/03/2018 2:09 PM

(Chinhphu.vn) - Chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã “thấm” tới từng Bộ, ngành. Trong thời gian này, không có hiện tượng “trên nóng dưới lạnh” mà các Bộ, ngành đều đang “nóng” - tích cực xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Diễn đàn Báo chí với vấn đề tuyên truyền xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động” . Ảnh: Nhật Bắc

Đã gần hai năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quyết tâm nỗ lực xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Thời gian chưa dài nhưng đã chứng tỏ rằng đây là một thông điệp có sức lay động lớn và dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, của Thủ tướng đang đi vào những việc cụ thể nhất và hình ảnh về một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ ngày càng đậm nét.

Tại diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng cho biết nội hàm của Chính phủ kiến tạo gồm nhiều nội dung, nhưng Thủ tướng nhấn mạnh rằng Chính phủ kiến tạo phải chủ động thiết kế chính sách và pháp luật để đất nước ta phát triển, không để rơi vào thế bị động. Thủ tướng cũng nêu rõ, khác với Chính phủ quản lý điều hành, Chính phủ kiến tạo chủ động hơn về thể chế, chính sách pháp luật, tạo môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư phát triển. Chính phủ điều hành là có pháp luật rồi, chỉ điều hành trên khung khổ pháp luật đó.

Trên thực tế, Chính phủ đã coi công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong cả nhiệm kỳ, đặc biệt cần đẩy mạnh rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải sửa ngay nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.

Mới đây nhất, hồi đầu tháng 2/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành một Nghị định khiến cộng đồng doanh nghiệp “nức lòng”, sau một thời gian dài diễn ra nhiều cuộc đối thoại và cả tranh cãi giữa các doanh nghiệp với Bộ Y tế. Đó là Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Tại Diễn đàn “Báo chí với vấn đề tuyên truyền xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động” do Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chia sẻ thông tin về quá trình xây dựng, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP như một minh chứng cho hoạt động xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP được đánh giá là đã tạo cuộc “cách mạng” trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, thể hiện nhiều thay đổi căn bản so với Nghị định số 38/2012/NĐ-CP trong phương thức quản lý. Đó là sự thay đổi về tư duy nhận thức của người làm công tác quản lý an toàn thực phẩm; thay đổi cơ bản phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm; quy định về quản lý rủi ro và nguy cơ, phù hợp với thông lệ của quốc tế, tiệm cận với cách thức quản lý của các nước tiên tiến trên thế giới như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và một số quốc gia Châu Âu về lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Nói về nội dung thay đổi rất cơ bản là chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: “Bấy lâu nay, chúng ta áp đặt phương thức quản lý tiền kiểm. Các cơ quan quản lý đặt ra những giấy phép, điều kiện để quản lý lĩnh vực đó, nhưng nhiều khi những giấy phép đó lại trở thành tấm vé thông hành mà sau này chất lượng hay an toàn sản phẩm chúng ta lại không đo đếm được.

Theo Nghị định 15, doanh nghiệp phải tự công bố về độ an toàn và chất lượng của sản phẩm của mình. Trước đây, các cơ quan quản lý xác nhận về độ an toàn và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp thì nay doanh nghiệp phải tự công bố và các cơ quan chỉ quản lý về mặt hậu kiểm, kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý các vi phạm (nếu có)”.

Một điểm mới nữa trong Nghị định 15, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, đó là sự cải cách hành chính triệt để, minh bạch hoá toàn bộ quá trình, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

“Chúng ta càng minh bạch bao nhiêu, cộng đồng doanh nghiệp càng cạnh tranh bấy nhiêu, qua đó nâng cao được trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp trong vấn đề sản xuất an toàn thực phẩm”.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long lấy ví dụ về vấn đề thực phẩm nhập khẩu. “Trước đây, có tình trạng một cái bánh ‘cõng’ 13 giấy phép khi tất cả nguyên liệu sản xuất, phụ gia làm ra sản phẩm đều phải có giấy phép. Điều này đồng nghĩa với việc nhà nước quản lý tất cả các công đoạn, nhưng với Nghị định 15, những nguyên liệu sản xuất, phụ gia đó không phải xin giấy phép mà nhà nước chỉ quản lý đầu ra sản phẩm. Doanh nghiệp phải tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo về an toàn, chất lượng sản phẩm mới được lưu thông. Đây là thay đổi rất lớn để tránh tình trạng một cái bánh ‘cõng’ 13 giấy phép”.

 “Chúng ta chỉ giảm về giấy phép hành chính nhưng vẫn bảo đảm an toàn chất lượng sản phẩm bằng phương thức quản lý đảm bảo an toàn hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, tính toán của Bộ Y tế và Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, đối với những mặt hàng sản xuất trong nước, Nghị định 15 giúp giảm tới hơn 90% giấy phép về mặt hành chính. Còn đối với thực phẩm nhập khẩu, ước tính có tới 95% giấy phép được bãi bỏ, từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân. Qua tính toán sơ bộ, với việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng giúp tiết kiệm hơn 3.00 tỷ đồng.

Ngoài ra, trước đây, trong quản lý lĩnh vực an toàn thực phẩm, còn có sự đan xen, không thống nhất giữa các bộ, ngành nhưng trong Nghị định 15 đã phân định rõ trách nhiệm của các bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp.

Chia sẻ thêm về các điều kiện kinh doanh, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế là một trong những Bộ có cải cách quyết liệt trong việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh.

“Ban đầu chúng tôi cũng vấp phải những phản ứng vì nhiều người cho rằng điều này có thể tác động đến vấn đề sức khoẻ, chất lượng chuyên môn của y tế nhưng sau khi rà soát, xem xét tất cả các chuẩn mực, nhất là những chuẩn mực quốc tế, quy định về chuyên  môn, Bộ Y tế quyết định cắt giảm ít nhất 40% điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực của mình để tạo điều kiện, môi trường thông thoáng hơn, khuyến khích cộng đồng tư nhân tham gia vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ”.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ sẽ dứt khoát cắt bỏ tất cả những tiêu chí không còn phù hợp, gây mập mờ khó kiểu, không định tính, không định lượng. Tất cả sự cắt bỏ này sẽ không gây tác động xấu nào đến chất lượng dịch vụ mà còn bảo đảm, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế hơn nữa. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế sẽ sớm ban hành trong thời gian sớm nhất có thể.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ đã lan toả và “thấm” tới tất cả các Bộ, ngành, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tin rằng, trong thời gian này, không có hiện tượng “trên nóng dưới lạnh” mà các Bộ, ngành đều đang “nóng” - tích cực xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động.

Hoàng Anh

Top