Nâng cao chất lượng, giá trị cho nông sản Thủ đô

15/10/2018 1:10 PM

(Chinhphu.vn) - Việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đã góp phần tạo dựng được vị thế cho cho nông sản. Cùng với đó, nhiều đặc sản nông sản còn được bảo hộ nhãn hiệu. Đây là những bước đầu tiên trong hành trình xây dựng thương hiệu, từ đó nâng cao chất lượng, giá trị cho nông sản Thủ đô.

Ảnh: Thành Nam

Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ mới; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trên địa bàn Thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản cho năng suất và giá trị thu nhập cao như: Vùng sản xuất rau an toàn; vùng trồng cam Canh, bưởi Diễn, hoa cây cảnh, vùng chăn nuôi gia cầm, bò thịt, bò sữa tập trung tại các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Đan Phượng, Ba Vì, Thanh Trì và Mê Linh... Nhờ đó, người nông dân đã làm quen và từng bước hình thành các hợp đồng hợp tác liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp.

Là địa phương có nền sản xuất nông nghiệp phát triển. Phúc Thọ được nhiều người dân Thủ đô biết đến với đặc sản Bưởi Phúc Thọ-không chỉ là sản phẩm mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người dân mà còn là sản phẩm nông sản sạch chủ lực của Hà Nội.

Ông Doãn Trung Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, để nâng cao giá trị, bảo đảm “đầu ra” cho bưởi nói riêng và nông sản của Phúc Thọ nói chung, huyện Phúc Thọ đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp đầu tư. Riêng với mô hình bưởi, huyện đã liên kết với một số siêu thị, chuỗi cửa hàng sạch để tiêu thụ sản phẩm. Về lâu dài, huyện kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào khâu thu hoạch, bảo quản và chế biến để ổn định “đầu ra”.

Bên cạnh đó, nhiều huyện trên địa bàn Thành phố đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh bền vững, tạo ra nhiều mô hình hiệu quả, giá trị cao. Cụ thể, Hà Nội đã hình thành 154 cánh đồng mẫu lớn trồng lúa chất lượng (quy mô từ hơn 100ha/cánh đồng trở lên) tập trung tại các huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Đông Anh; 101 vùng trồng rau an toàn tập trung với tổng diện tích 5.100ha (quy mô từ 20ha/vùng trở lên) cho giá trị thu nhập 400-500 triệu đồng/ha/năm tại các huyện: Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đan Phượng... Hiện sản lượng rau an toàn ước đạt 350.000 tấn/năm, đáp ứng 65% nhu cầu tiêu dùng của Thành phố…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đã góp phần tạo dựng được vị thế khá vững chắc tại thị trường trong và ngoài nước cho nông sản. Nhiều đặc sản nông sản của thành phố còn được bảo hộ nhãn hiệu. Đây là những bước đầu tiên trong hành trình xây dựng thương hiệu, từ đó nâng cao chất lượng, giá trị cho nông sản Thủ đô.

Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản

Xác định việc xây dựng thương hiệu đã mang lại giá trị lớn sản phẩm nông sản, Hà Nội đã tập trung phát huy thế mạnh từng vùng, chọn ra những sản phẩm đặc sản xây dựng, phát triển nhãn hiệu nông sản. Nhờ đó giá trị nông sản của Hà Nội tăng khoảng 25% so với trước khi có thương hiệu.

Mặc dù định vị thương hiệu mang lại giá trị cao cho sản phẩm nông sản, nhưng đến nay Hà Nội mới chỉ có 13/100 sản phẩm truyền thống được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu, khiến nhiều sản phẩm chưa có được vị trí tương xứng. Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa cho biết, theo quy định sản phẩm nông sản muốn xây dựng thương hiệu phải đáp ứng các tiêu chí bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về sản lượng ổn định, chất lượng đồng đều, bảo đảm…, tuy nhiên hiện người nông dân Hà Nội lại sản xuất trên diện tích manh mún, nhỏ lẻ, thiếu kiến thức về sản xuất an toàn.

Do đó, bà Thoa cho rằng, để khắc phục nhược điểm này các địa phương cần tăng cường quản lý giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp, công tác tuyên truyền xây dựng thương hiệu đóng vai trò quan trọng để nâng cao vị thế hàng nông sản.

Hiên, Sở NN&PTNT Hà Nội đang xây dựng, lồng ghép nhiều mô hình sản xuất an toàn, hữu cơ làm tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu nông sản. Đối với các địa phương nên lựa chọn nông sản có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, đồng thời xây dựng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Đồng thời, để đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu nông sản, TP. Hà Nội cũng đang tập trung thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thành Nam

Top