Nâng cao giá trị xuất khẩu nhờ mẫu mã sản phẩm

28/08/2018 12:24 PM

(Chinhphu.vn)-Hà Nội có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ, hằng năm sản xuất ra nhiều sản phẩm. Tuy nhiên, các sản phẩm làm ra vẫn chưa đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế. Do đó, cần thiết phải cải tiến mẫu mã sản phẩm để nâng cao giá trị xuất khẩu.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cần cải tiến mẫu mã để thúc đẩy xuất khẩu. Ảnh: Thùy Linh

Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó gần 1.000 làng nghề thủ công mỹ nghệ, hằng năm đóng góp gần 10% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Năm 2018, dự kiến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ đạt trên 200 triệu USD, tạo việc làm cho trên 1 triệu lao động…

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu làng nghề chỉ sản xuất theo ý thích của mình mà không đầu tư khai thác nhu cầu thị trường thì khó đưa hàng ra nước ngoài chứ chưa nói đến cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước. Thiếu sáng tạo, thiếu tính ứng dụng trong thiết kế mẫu sản phẩm là một trong những rào cản khiến sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội kém sức hấp dẫn trên thị trường quốc tế.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đánh giá, các làng nghề Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn yếu so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Philipines…

Mẫu mã sản phẩm đơn điệu, kém hấp dẫn đang là điểm yếu của mặt hàng thủ công mỹ nghệ nói chung, làm cản trở giá trị gia tăng của dòng sản phẩm này. Ông Nguyễn Anh Hiếu, đại diện Công ty Mây tre đan xuất khẩu Trúc Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, hiện sản phẩm của làng nghề chủ yếu làm theo các mẫu truyền thống hoặc làm theo mẫu của nước ngoài do các khách hàng mang tới. Phần lớn doanh nghiệp vẫn đang bị động trong tìm kiếm, sáng tạo, thiết kế mẫu mã sản phẩm. Đây là tình trạng chung của các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nhất là cơ sở quy mô nhỏ. Do đó, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề rất cần sự hỗ trợ của các bên trong việc cải thiện, sáng tạo mẫu mã sản phẩm.

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân chính là mẫu mã sản phẩm của các làng nghề chậm đổi mới, thiết kế đơn điệu; nhiều làng nghề chủ yếu sao chép các mẫu có sẵn trên thị trường hoặc làm theo mẫu do khách hàng đặt, không có mẫu của riêng mình, thiếu những sản phẩm có hàm lượng chất xám và giá trị kinh tế cao.

Ngoài ra, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi sáng tác mẫu mã đẹp về mỹ thuật nhưng không phù hợp với thị hiếu hoặc khó sản xuất những đơn hàng lớn… Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, nhất là trong vấn đề xuất khẩu.

Cần cải tiến mẫu mã sản phẩm

Để các làng nghề Hà Nội nói riêng và các làng nghề trên cả nước nói chung phát triển được bền vững, đòi hỏi phải đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, gia tăng tỷ lệ sản phẩm có mẫu mới trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu thị trường, giảm dần tỷ lệ sản phẩm có mẫu mã cũ, loại bỏ các sản phẩm không còn phù hợp với thị trường.

Trước thực tế đó, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục tổ chức cuộc thi “Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ và vinh danh khen thưởng các nghệ nhân tiêu biểu ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018”, nhằm khuyến khích những ý tưởng sáng tạo trong thiết kế mẫu sản phẩm.

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố phát huy những ý tưởng sáng tạo, thiết kế những mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng; đồng thời, thúc đẩy phong trào thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đẩy mạnh hỗ trợ các làng nghề trên địa bàn thành phố đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế… UBND TP.Hà Nội giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức cuộc thi “Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ và vinh danh khen thưởng nghệ nhân tiêu biểu ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018”. Cuộc thi năm nay có chủ đề “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với phát triển làng nghề và du lịch”.

Theo ông Đào Hồng Thái, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, các sản phẩm dự thi sẽ được chấm với 4 tiêu chí: Tính sáng tạo, tính thương mại, thân thiện môi trường và tính thẩm mỹ.

Đặc biệt, các sản phẩm dự thi phải là sản phẩm mới được thiết kế trong năm 2018, không vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ và các quy định liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, sản phẩm chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào trước hoặc trong cùng thời điểm tổ chức cuộc thi.

Đối với các nghệ nhân được vinh danh phải có nhiều thành tích trong phát triển mẫu sản phẩm mới, đặc biệt là tham gia cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội trong những năm qua; có nhiều thành tích trong truyền nghề cho thế hệ trẻ, có sản phẩm tiêu biểu được trưng bày tại các bảo tàng, có tài liệu dạy nghề được viết thành sách, giáo trình giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội.

Thùy Linh

Top