Nâng cao hiệu quả công tác điều tra các vụ án tham nhũng

18/03/2016 10:45 AM

(Chinhphu.vn) – Phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua đã tạo ra quy mô, vị thế lớn cho Hà Nội, nhưng đồng thời cũng tạo ra những thách thức trong công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác phòng chống tham nhũng nói riêng.

Thời gian qua, tình hình tội phạm tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp gây thiệt hại lớn cho tài sản Nhà nước như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, quản lý tài chính, tài sản công, ngân hàng,... đến những lĩnh vực nhạy cảm như giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân... Hậu quả do tội phạm tham nhũng gây ra ngày càng lớn, không chỉ về kinh tế mà nghiêm trọng hơn là làm giảm hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tăng cường điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, xác định lực lượng Công an là lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, sau khi Luật phòng, chống tham nhũng được ban hành, Đảng ủy và Ban Giám đốc Công an Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng.

Cụ thể, thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong Công an Thành phố; tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, công khai minh bạch trong giao dịch, giao tiếp ở các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng;

Củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng như tăng cường cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành điều tra tội phạm kinh tế chức vụ; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn các văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ, pháp luật; quán triệt và yêu cầu các cán bộ chiến sỹ phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế, quy trình công tác, không để cán bộ, chiến sỹ lợi dụng vị trí công tác để vụ lợi.

Bên cạnh đó, tổ chức công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, dự báo tình hình được tiến hành thường xuyên, liên tục; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thuế và các đơn vị có liên quan để chủ động nắm bắt thông tin, tình hình các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để tập trung xác minh, điều tra xử lý tội phạm.

Ngoài ra, tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp dân, thực hiện 24/24 giờ trực, tiếp nhận và xử lý tin phản ánh qua đường dây nóng; giải quyết kịp thời, hiệu quả, đúng pháp luật đơn, thư khiếu nại, tố cáo, có dấu hiệu, hành vi tiêu cực, tham nhũng;...

Sau 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, cơ quan điều tra các cấp của Công an Thành phố đã điều tra, khởi tố 210 vụ án với 540 bị can. Trong đó, tham ô tài sản là 64 vụ/104 bị can; nhận hối lộ 5 vụ/5 bị can; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là 30 vụ/48 bị can; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ là 76/299 bị can;... Tài sản thu hồi trên 140 tỷ đồng và gần 240.000m2 đất cùng nhiều tài sản có giá trị khác.

Cần công khai minh bạch tài sản cá nhân

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Ngọc, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Dù Luật phòng, chống tham nhũng đã quy định về việc bảo vệ người phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng nhưng mới dừng ở tính nguyên tắc, chưa cụ thể để có hiệu quả trong thực tế. 

Ông Ngọc cho biết, đối với các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thường liên quan đến nhiều cán bộ có chức vụ, quyền hạn ở nhiều cấp, nhiều ngành. Do đó, việc thu thập thông tin, tài liệu chứng cứ, chứng minh các hành vi phạm tội của các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn do người phạm tội có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao, thủ đoạn tinh vi.

Đối tượng phạm tội trong các vụ án tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn, phần lớn là đảng viên. Trong khi đó, theo ông Ngọc, chỉ thị 15 của Bộ Chính trị quy định không cho phép lực lượng công an thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đối với đảng viên khi chưa khởi tố bị can.

Ngoài ra, trong các vụ án tham nhũng liên quan đến những người là đảng viên thuộc diện Thành ủy quản lý, ông Ngọc cho biết phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo do vậy thường dẫn đến thời gian bị kéo dài, trong khi thời gian điều tra có hạn.

Từ những khó khăn, vướng mắc trên, Công an Thành phố kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có những biện pháp, quy định mang tính chiến lược, vừa trừng trị, vừa phải có giải pháp phòng ngừa, đặc biệt thực hiện nghiêm việc kê khai, công khai minh bạch tài sản cá nhân; các Bộ, ngành cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản pháp luật về phòng ngừa tham nhũng;...

Đồng thời, cần phải ban hành các chính sách khuyến khích, phát huy vai trò tích cực của nhân dân trong đấu tranh chống tham nhũng, đặc biệt là sớm ban hành Luật bảo vệ nhân chứng, bảo vệ quyền lợi, tính mạng tài sản của công dân khi họ cộng tác với cơ quan pháp luật để đấu tranh với tội phạm tham nhũng;...

Diệu Anh

Top