Nét đẹp văn hoá xin chữ đầu năm

29/01/2017 1:46 PM

(Chinhphu.vn) - Nhà thư pháp Cung Khắc Lược-một trong tứ trụ thư pháp Việt Nam nhấn mạnh rằng, tuy mỗi thời đều có sự phát triển, xin chữ đầu năm vẫn là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp nhất của người dân mỗi độ Xuân về.

Tiến sĩ Hán học Cung Khắc Lược, người được mệnh danh là một trong “tứ trụ” Thư pháp Việt Nam. Ảnh Hòa An

Từ xưa, người Việt đã có thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày đầu năm mới, đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa truyền thống, thể hiện “Tôn sư trọng đạo”, trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và cũng là mong muốn của người dân dành cho năm mới may mắn, bình an, một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.

Từ 4 năm nay, Hội chữ Xuân được tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám bởi đây từ xưa luôn là biểu tượng của trung tâm giáo dục, đào tạo nhân tài lớn nhất cả nước, nơi lưu giữ và bảo tồn nhiểu truyền thống quí báu của dân tộc như hiếu học, hiếu nghĩa, tôn trọng nhân tài... Hội chữ Xuân được tổ chức định kỳ còn nhằm mục đích tạo ra một sân chơi lành mạnh giúp các Thư pháp gia (Hán-Nôm và Quốc ngữ) có điều kiện trổ tài, sáng tác và người dân đi xin chữ có thể yên tâm, hân hoan mang về gia đình những bức thư pháp đúng, đẹp với nhiều ước nguyện tốt lành.

Chia sẻ về Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 với chủ đề “Tôn sư trọng đạo”, ông đồ-Tiến sĩ Hán học Cung Khắc Lược, người được mệnh danh là một trong “tứ trụ” Thư pháp Việt Nam (ông đã gần 90 tuổi và nay cũng chỉ còn mình ông trong “tứ trụ”) cho biết, “Tôn sư trọng đạo” vốn là nét văn hoá đặc trưng của người Việt, tục xin chữ hàng năm của người Việt chính là bắt nguồn từ sự hiếu học của người Việt từ xa xưa, cứ đầu năm mới Xuân về người dân thường đến nhà thầy đồ dạy học xin chữ.

Theo Nhà Thư pháp Cung Khắc Lược, ngày xưa khi xin chữ, người dân rất chú ý đến người cho chữ bởi nét chữ thể hiện tinh thần, cốt cách người cho chữ. Ngày xưa khi xin chữ là một sự kiện rất đặc biệt, người ta chọn ngày, chọn hướng với tấm lòng tìm đến người người mình tin tưởng, có đời sống đáng trân trọng noi theo. Người cho chữ phải là người dày công học hành, có thể chính là những ông đồ dạy học ở những làng quê hoặc phải là những người “có danh với núi sông”.

Nhà thư pháp Cung Khắc Lược cho biết, xin chữ đầu năm chính là mong muốn của người xin chữ trong cả một năm mới, ông bà ta thường nói “cho tiền không bằng chỉ nẻo”, “một chữ nghìn vàng” là như vậy. Mỗi bức thư pháp khi hoàn thành bao giờ cũng có hai con người đồng cảm, đó là bộ óc, trí tuệ của người cho chữ gặp trái tim, tâm hồn người xin chữ. Ngoài cầu may mắn, người ta còn muốn xin cái đức độ, tài năng của ông đồ, lấy chữ để răn mình. Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Theo dân gian, người muốn rèn khả năng chịu đựng thường xin chữ “Nhẫn”, có nhẫn có nhịn thì mới chuyển nguy thành yên, bại thành thắng, dữ thành lành… Ảnh Hòa An

Theo ông Kiều Quốc Khánh, chủ nhiệm CLB Thư pháp Việt Tâm Bút, từ xa xưa, xin chữ ngày Tết luôn được coi là điều thiêng liêng, một việc quan trọng của gia đình bởi bức thư pháp sẽ được treo trang trọng trong gia đình và cũng là thể hiện những mong ước của gia đình vào năm mới.

Theo truyền thống từ xưa, các chữ được xin thường là chữ Hán-Nôm bởi đây là chữ tượng hình, nhiều ý nghĩa, nhưng gần đây gần đây, người dân có thói quen xin cả chữ Quốc ngữ vì loại chữ này có ưu điểm là thông dụng, dễ đọc, dễ hiểu.

Ông Kiều Quốc Khánh cho biết, đầu Xuân năm mới mọi gia đình thường mong cho mình một cuộc sống bình an, từ đó người dân thường hay xin chữ “An”, chữ “Phúc” cho toàn thể gia đình, con cái; người kinh doanh, buôn bán thì hay xin chữ “Hưng”, chữ “Thịnh”, chữ “Phát”, chữ “Lộc”, chữ “Tín”; người đi học thường xin chữ “Tài”, “Đăng Khoa”; có người muốn rèn khả năng chịu đựng xin chữ “Nhẫn”…

Điểm khác biệt là dưới bàn tay mỗi ông đồ, bức thư pháp lại hiện lên là mỗi bức hoạ khác nhau, mỗi nét chữ thể hiện cốt cách của người cầm bút với những tâm hồ xúc cảm khác nhau. Chữ được cho thường được viết trên nền giấy đỏ bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm dân gian là biểu tượng của sự may mắn.

Năm thứ 4 Hội chữ Xuân được tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám có thể coi là một “đặc sản” của Tết Hà Nội. Ngoài hình ảnh trầm mặc của những “ông đồ” lớn tuổi trong trang phục áo the, khăn xếp là hình ảnh của “ông đồ”, “bà đồ” trẻ tuổi với những nét thư pháp tài hoa, một minh chứng cho sự thu hút của bộ môn nghệ thuật Thư pháp được giới trẻ tiếp thu, cảm nhận và đang nối tiếp thế hệ các “ông đồ” xưa.

Xin chữ đầu Xuân vẫn là một bản sắc văn hoá truyền thống không thể nào mất đi của người Hà Nội.

Hòa An

Top