Ngăn chặn bạo hành trong bệnh viện

20/04/2018 5:09 PM

(Chinhphu.vn) - Mấy ngày gần đây, sự việc bác sĩ trẻ tại Bệnh viện Xanh Pôn bị người nhà bệnh nhân tát vào mặt đang gây bức xúc và nhiều tranh cãi trên các phượng tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.

Nguyên nhân của sự việc đến nay (sau 1 tuần sự việc diễn ra) vẫn chưa được thông tin chính thức, mà chỉ “những người trong cuộc” mới rõ.

Tuy nhiên, qua clip phát tán trên mạng xã hội, ai cũng nhận thấy hành động thiếu văn hoá của người nhà bệnh nhân hôm 13/4 tại Bệnh viện Xanh Pôn. Sự việc khiến dư luận vô cùng bức xúc, đặc biệt là các đồng nghiệp của bác sĩ C, nó như một “cốc nước tràn ly” khi chỉ trong chưa đầy 4 tháng đầu năm nay đã có gần chục vụ bạo hành bác sĩ trên cả nước.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ, mỗi lần đọc, tìm hiểu, viết về việc bác sĩ bị hành hung, tôi lại thấy bức xúc. “Chúng tôi có thể khiến bất kỳ ai tấn công mình phải trả giá, nhưng hãy để chúng tôi dành sức lực đó để chống lại bệnh tật đang tấn công bạn".

Chia sẻ với Đài truyền hình Việt Nam, bác sĩ V.H.C (Bệnh viện Xanh Pôn) không kiềm chế được cảm xúc và mong muốn chứng minh rằng "dù bác sĩ có bị chèn ép thế nào thì họ vẫn phục vụ những người đánh họ”.

“Nếu bệnh viện thuê thêm bảo vệ, công an thì bệnh viện phải thu thêm chi phí điều trị của bệnh nhân, vô hình chung, nhiều người bệnh sẽ phải đóng thêm chi phí chỉ vì hành vi thiếu văn hoá của một vài côn đồ”, bác sĩ Cấp bức xúc.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng bày tỏ bức xúc trước “vấn nạn” nhân viên y tế bị hành hung. Vì theo ông Khoa, khi bác sĩ bị hành hung, tổn thương về thể xác thì ít nhưng tổn thương về tinh thần sẽ dai dẳng. Đặc biệt, đối với những bác sĩ trẻ, mới ra trường còn bị tổn thương nhiều hơn vì họ chưa có nhiều trải nghiệm, tiếp xúc với người nhà bệnh nhân và chưa thể tìm ra biện pháp giải tỏa.

Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng chia sẻ, việc hành hung bác sĩ đang làm nhiều nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh rất lo lắng. Về lâu dài, nó sẽ ảnh hưởng tới cả một hệ thống. Khi nhân viên trong bệnh viện bị hành hung, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng, các nhân viên khác sẽ cảm thấy stress, lo lắng, tâm lý khám chữa bệnh của họ bị ảnh hưởng. Thực trạng này làm tôi cảm thấy lo lắng và buồn.

Cũng xung quanh sự việc bác sĩ bị hành hung tại Bệnh viện Xanh Pôn, một luồng quan điểm khác cho rằng, nếu hai bên: bác sĩ và bệnh nhân tôn trọng, chia sẻ, hợp tác thì sẽ không có bạo lực/hành hung trong cơ sở y tế.

Khi có người thân phải vào bệnh viện, ai cũng lo lắng và mong muốn được các bác sĩ quan tâm, khám, tư vấn điều trị, nhưng với điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực y tế hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Cũng vì quá tải, áp lực công việc liên tục nên các bác sĩ không có thời gian tư vấn, giải thích cặn kẽ cho người bệnh, người nhà người bệnh, thậm chí có người rơi vào tình trạng stress, lo lắng nên khi có người nhà bệnh nhân cần giải thích, họ có thể dẫn tới hành động hoặc lời nói khiếm nhã.

Một trong những biện pháp để hạn chế sự việc hành hung trong cơ sở y tế, được ví như câu chuyện “khổ lắm nói mãi”, đó là mỗi bên - bác sĩ và người bệnh, người nhà bệnh nhân cần bình tĩnh, tôn trọng và chia sẻ với nhau khi giải quyết công việc nhưng có lẽ đó cũng sẽ là câu chuyện cần sự “mưa dầm thấm lâu”, để hạn chế dẫn đến những câu chuyện buồn như sự việc ở Bệnh viện Xanh Pôn vừa qua.

Hiền Minh

Top