Ngành Y tế Hà Nội hướng tới xây dựng chính quyền điện tử

19/04/2019 2:11 PM

(Chinhphu.vn) - Nhằm tăng cường cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đẩy mạnh thực hiện một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, năm 2019, ngành y tế Hà Nội sẽ tiếp tục ứng dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Việc triển khai bệnh án điện tử giúp rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh và mang lại nhiều thuận lợi cho cả người bệnh và bác sĩ - Ảnh: Thiện Tâm

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, năm 2018, Sở Y tế đã dự thảo và trình UBND TP ban hành 6 quyết định công bố TTH, niêm yết công khai, đầy đủ các TTHC tại trụ sở của Sở Y tế và tại 3 đơn vị được phân công giải quyết TTHC là Chi cục An toàn thực phẩm, Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố. Các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế được cập nhật, công khai trên Trang thông tin điện tử Sở Y tế Hà Nội. Kết quả, Sở Y tế Hà Nội đã công bố 146 TTHC trên hệ thống Một cửa điện tử thành phố; 48 TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và có 4 TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Từ ngày 1/7/2018, Sở Y tế đã thực hiện cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh trực tuyến mức độ 3 với tất cả hồ sơ cấp mới, cấp lại chứng chỉ hành nghề. Sở cũng đã thẩm định gần 1.300 hồ sơ, cấp chứng chỉ hành nghề đối với 950 hồ sơ đủ điều kiện. Theo quy định của Chính phủ, việc cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh được thực hiện trong thời gian 30 ngày. Để tạo thuận lợi cho người dân, Sở đã xây dựng và ban hành quy trình cấp chứng chỉ hành nghề trong thời gian 10 ngày làm việc.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng tiếp nhận giải quyết 3 TTHC thuộc nhóm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với 7.056 hồ sơ, bao gồm: 108 hồ sơ công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế; 5.667 hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị y tế thuộc loại A; 1.218 hồ sơ công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế thuộc loại B, C, D. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính chỉ trong 3 ngày.

Đặc biệt, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, quản lý bệnh viện, giúp công dân thuận lợi trong nộp hồ sơ, người bệnh thuận lợi trong khám chữa bệnh, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của ngành y tế và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngành y tế đang tiếp tục triển khai hệ thống thông tin quản lý tiêm chủng, bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Tháng 9/2018, phần mềm khảo sát sự hài lòng của người dân với dịch vụ y tế tại các bệnh viện đã được thí điểm tại 5 đơn vị là các bệnh viện: Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đức Giang, Hà Đông, Đống Đa và sẽ được nhân rộng ra tất cả các cơ sở y tế trong thời gian tới. Phần mềm quản lý bệnh viện đang thí điểm tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang và trong 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục thí điểm tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn để đến 1/7/2019 sẽ triển khai tại tất cả các bệnh viện còn lại.

Phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe và tầm soát ung thư đã được xây dựng và chuẩn bị đưa vào hoạt động. Sở Y tế đang tiếp tục xây dựng phần mềm quản lý an toàn thực phẩm, phần mềm quản lý cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Đây là những dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai ở mức độ 3 và mức độ 4.

Cùng với việc cắt giảm điều kiện thủ tục, ngành y tế Hà Nội cũng không ngừng cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám và điều trị, hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh; bệnh án điện tử; lấy số thứ tự tự động; kê thuốc điện tử... Đồng thời, toàn ngành cũng đang nỗ lực áp dụng phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế xã kết nối liên thông với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, từng bước giảm thiểu giấy tờ sổ sách tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Để thực hiện tốt công tác cải cách TTHC năm 2019, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo 100% người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp tục phụ trách, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện cải cách hành chính tại đơn vị. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thể chế hành chính; cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; hiện đại hóa hành chính; rà soát, đánh giá thủ tục hành chính; công bố, công khai thủ tục hành chính… hướng đến công khai, minh bạch thủ tục hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả và sự minh bạch của bộ máy hành chính; xác định rõ trách nhiệm của đơn vị, người có thẩm quyền trong kiểm soát thủ tục hành chính cũng như trong tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức.

Để quyết liệt thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính tại các đơn vị, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; tổ chức giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng chính quyền điện tử. Tăng tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan nhà nước và nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4.

Thiện Tâm

Top