Ngày ‘Cá tháng Tư’ - sự tương thích văn hóa trong quá trình hội nhập

01/04/2021 2:22 PM

(Chinhphu.vn) - Nhiều năm trở lại đây, một bộ phận công chúng đặc biệt là giới trẻ ở Việt Nam tỏ ra khá hào hứng đón nhận ngày “Cá tháng Tư” (1/4), một sự kiện văn hóa đại chúng có nguồn gốc từ nước Pháp và được phổ biến ở nhiều quốc gia châu Âu.

Có lẽ cho đến nay, thời điểm cụ thể cũng như quá trình hội nhập sự kiện ngày “Cá tháng tư” vào Việt Nam vẫn chưa được tài liệu chính thức nào xác định! Tuy nhiên trong quá trình  giao thoa văn hóa toàn cầu, “ngày hội” vui nhộn, hấp dẫn này đã và đang được không ít công chúng Việt Nam tự nguyện đón nhận như một món ăn tinh thần mới lạ. Trên một số trang báo từng có nhiều bài viết về ngày “Cá tháng Tư”, nhưng chủ yếu đề cập đến nguồn gốc, ý nghĩa cũng như nét khác biệt ở mỗi quốc gia đối với ngày hội này.

Tại một số quốc gia châu Âu ngày “Cá tháng Tư” hay còn gọi là “ngày nói dối”  diễn ra vào 1 tháng 4 hằng năm, thực sự là một ngày hội văn hóa vui nhộn, trẻ trung năng động. Trong ngày hội này người ta được thả sức “nói dối”, “đánh lừa” người khác với mục đích mua vui, tạo tiếng cười sảng khoái. Tất nhiên trong cuộc vui này, những lời “nói dối”, những trò “đánh lừa” vô hại chỉ nhằm tạo sự bất ngờ, tạo ra tiếng cười có tính giải trí thư giãn đối với các thành viên trong cộng đồng.

Với ý nghĩa nhân văn, tính đại chúng, tính phổ cập ngày “Cá tháng Tư” thực sự là một lễ hội được chấp nhận và phổ biến ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Mặc dù vậy, trong quá trình tiếp biến văn hóa ấy, mỗi một quốc gia, mỗi dân tộc đều có thể tạo cho mình một ngày “Cá tháng Tư”  với những hình thức, nội dung khu biệt mang bản sắc riêng.

Rất có thể, trong thực tế nhiều người Việt Nam đã từng biết đến sự kiện ngày “Cá tháng Tư” từ rất lâu, khi họ có dịp tiếp xúc với các nước phương Tây, Đông Âu. Tuy nhiên trong  đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, nó mới chỉ được công chúng biết đến và đón nhận trong những năm gần đây. Về cơ bản ngày “Cá tháng Tư” ở Việt Nam hiện nay vẫn mang tính tự phát, chưa có sự định hướng rõ rệt, tính tổ chức hệ thống đối với đại công chúng toàn xã hội.

Một trong những yếu tố có tính quyết định trong quá trình tiếp biến văn hóa là sự tương thích. Cụ thể, sự tương thích văn hóa bao gồm: Tương thích về tâm lý dân tộc, nhân sinh quan, giá trị, chuẩn mực xã hội … Nếu không thỏa mãn những yêu cầu trên, thì bất cứ hình thức hay loại hình văn hóa ngoại nhập nào cũng sẽ bị sức đề kháng nội sinh của văn hóa bản địa từ chối trong quá trình tiếp biến.

Trong lịch sử phát triển của mình, dân tộc Việt Nam đã từng diễn ra những cuộc tiếp biến văn hóa trong quá trình giao thoa và hội nhập quốc tế. Người Việt từng tiếp nhận, dung nạp những sự kiện văn hóa ngoài lãnh thổ như: Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu, Tết Đoan ngọ, Tết Trung Thu … Để rồi bằng quá trình tiếp nhận có chọn lọc sáng tạo, biến đổi những yếu tố ngoại sinh sao cho phù hợp với đời sống tinh thần của cư dân bản địa. Trong suốt chiều dài lịch sử, hầu hết những cuộc hội nhập văn hóa bao giờ cũng trở nên đậm đà bản sắc Việt.

Lịch sử hiện đại cũng từng ghi nhận, người Việt đã tiếp nhận và phổ cập những sự kiện văn hóa đại chúng có sự tương thích về nhân sinh quan, về chuẩn mực xã hội như: Ngày lễ Lao động quốc tế 1 tháng 5, ngày Quốc tế phụ nữ  8 tháng 3 … Hay sự tương thích về văn hóa tinh thần như: Ngày lễ Noel, ngày lễ tình nhân Valentine … Trong khi ở ngay sát chúng ta, một sự kiện văn hóa rất phổ biết của nhiều quốc gia Đông Nam Á - Tết “Té nước” lại không thể có chỗ đứng trong đời sống văn hóa người Việt, bởi thiếu đi sự tương thích cần thiết.

Vậy yếu tố nào đã giúp ngày “Cá tháng tư” một sự kiện văn hóa phương Tây đã và đang dần có được chỗ đứng trong đời sống tinh thần người Việt?

Như đã nói ở trên sự tương thích văn hóa chính là yếu tố quyết định trong quá trình hội nhập tự nguyện này. Người Việt vốn có truyền thống lạc quan, yêu đời thích vui đùa và dí dỏm trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Với tinh thần “Một tiếng cười bằng mười thang thuốc”, tiếng cười không chỉ xua đi những buồn phiền, bớt đi nỗi mệt nhọc sau mỗi ngày lao động vất vả mà còn có tác dụng gắn kết cộng đồng. Những trò đùa tinh ranh, những câu nói “dối” vô hại hóm hỉnh không chỉ đem lại tiếng cười sảng khoái, vui nhộn mà còn tạo ra trạng thái tâm lý hưng phấn trong đời sống tinh thần.    

Nền văn hóa dân gian Việt từng xuất hiện một địa danh “tiếu lâm” nổi tiếng: “Văn Lang cả làng nói phét”. Ở trong ngôi làng Văn Lang thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ luôn đầy ắp những câu chuyện cười được gọi là “nói phét”. Chính sự cường điệu sự thật đến mức vô lý, trên cả “nói dối” khiến người nghe bị cuốn hút, bị đánh lừa để rồi vỡ òa những tiếng cười sảng khoái, bởi sự hóm hỉnh, dí dỏm, hài hước trong những câu chuyện “nói phét” của người Văn Lang.

Phải chăng sự tương thích văn hóa chính là yếu tố quan trọng giúp ngày “Cá tháng Tư” một ngày hội, một phong tục có nguồn gốc từ phương Tây dần chiếm được vị trí trong đời sống tinh thần của người Việt đương đại!

Hiện tại ngày “Cá tháng Tư”  tại Việt Nam mới chỉ là một sự kiện văn hóa du nhập mang tính tự phát trong xu thế giao thoa văn hóa toàn cầu. Rồi đây thời gian và sức sống nội sinh mãnh liệt của người Việt có thể sẽ cho ra một sự kiện văn hóa mới - ngày hội “Cá tháng Tư” vừa đại chúng vừa dân tộc. Tuy nhiên để làm tốt điều này ngành Văn hóa phải thực sự vào cuộc, với vai trò định hướng, tổ chức. Bên cạnh đó những người làm công tác văn hóa cần tôn trọng tính quy luật, không chủ quan áp đặt, duy ý chí trong quá trình sàng lọc, sáng tạo. Hy vọng trong tương lai gần, ngày “Cá tháng Tư” sẽ được nhiều tầng lớp công chúng Việt đón nhận và phổ biến rộng khắp để trở thành một ngày hội văn hóa thực sự.

Nhà nghiên cứu Văn hóa Hoàng Tiến Thắng

Top