Người dân chủ động nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

13/03/2019 9:33 AM

(Chinhphu.vn) - Để chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi và tránh thiệt hại về kinh tế, người dân trên địa bàn huyện Ba Vì đã chủ động nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh.

Nhiều hộ chăn nuôi rắc vôi bột để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi - Ảnh: Minh Nhung

Theo anh Phùng Huy Cường, thôn Vật Lại 1, xã Vật Lại huyện Ba Vì, với diện tích 2.800 m2, gia đình anh đang chăn nuôi 27 con lợn nái và 150 con lợn thương phẩm. Trước nguy cơ lây lan dịch tả lợn Châu Phi, để phòng ngừa cho đàn lợn, gia đình anh Cường đã chủ động rắc vôi bột, hạn chế người ra vào chuồng trại để giảm thiểu nguy cơ xảy ra dịch.

Cũng tại thôn Vật Lại 1, để ngăn chặn dịch bệnh, gia đình anh Chu Danh Phượng gần 2 tháng nay gần như không đi thăm các hộ chăn nuôi xung quanh và tiến hành cấm trại từ lâu. Hàng ngày, anh vẫn tiến hành sát trùng và rắc vôi bột cũng như diệt chuột để tránh tác nhân gây bệnh.

Theo ông Phùng Quốc Phi, Chủ tịch UBND xã Vật Lại, huyện Ba Vì, toàn xã Vật Lại hiện có trên 10.700 con lợn với hơn 1.500 hộ chăn nuôi, trong đó chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ. Để phòng chống dịch tả châu Phi, thực hiện hướng dẫn của cán bộ thú y, xã Vật Lại đã chuẩn bị 5 tấn vôi bột cũng như hóa chất để tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại chăn nuôi tại những nơi nguy cơ cao nhằm hạn chế bùng phát dịch.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đình Dần cho biết, huyện Ba Vì có tổng đàn lợn trên 320.000 con, chiếm 1/10 tổng đàn lợn của toàn thành phố. Với địa bàn rộng lớn, lại giáp ranh với 3 tỉnh đã có dịch tả là Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, huyện Ba Vì không chỉ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền “5 không” cho người dân (không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển động vật bệnh chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt động vật bệnh chết; không vứt động vật chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa khi chưa qua xử lý) mà còn chỉ đạo các xã tập trung rắc vôi bột, phun sát trùng và diệt côn trùng để tránh tác nhân gây bệnh, trong đó lưu ý vào những điểm có nguy cơ cao. Đồng thời, huyện cũng yêu cầu lực lượng công an, thú y tăng cường kiểm soát vận chuyển từ các tỉnh khác qua huyện để ngăn ngừa dịch.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện Hà Nội có 5 quận huyện có dịch tả lợn châu Phi và vẫn chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tiêu hủy gần 200 con lợn. Nếu không kiểm soát tốt mà để lây lan dịch sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi. Theo đó, cùng việc thành lập 5 đoàn công tác kiểm tra phòng chống dịch tại các địa phương, Hà Nội cũng cho thành lập các đội tuần tra lưu động xử lý tình trạng vận chuyển lậu tại các vùng giáp ranh với các tỉnh có dịch để hạn chế nguy cơ lây lan.

Nguy cơ cao lây lan dịch tả lợn Châu Phi qua côn trùng, vận chuyển giết mổ, qua người và qua thức ăn thừa. Các quận, huyện cần tổ chức tuyên truyền cho người chăn nuôi về sự nguy hiểm của dịch bệnh để chủ động phòng tránh và kịp thời báo cáo với lực lượng thú y cơ sở, chính quyền để hạn chế nguy cơ.

Minh Nhung

Top