Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ bánh Trung thu

08/08/2016 4:00 PM

(Chinhphu.vn) - Thời điểm này, Hà Nội đã xuất hiện rải rác các quầy bánh Trung thu trên nhiều tuyến đường. Tuy nhiên người tiêu dùng cần lựa chọn bánh như nào để tránh các tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ những sản phẩm này.

Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP do Sở Y tế Hà Nội chủ trì, thanh kiểm tra một cơ sở làm bánh Trung thu trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Do sản xuất các loại bánh nướng, bánh dẻo đem lại lợi nhuận rất cao, nên vào dịp Tết Trung thu năm nào cũng xuất hiện hàng loạt các cơ sở chế biến, sản xuất loại bánh này. Trong đó, có nhiều cơ sở nhỏ, thủ công đã sử dụng các loại phẩm màu, chất bảo quản độc hại, nguyên liệu không đảm bảo để chế biến các loại bánh.

Đặc biệt, nhằm vào thị hiếu của trẻ em, nhiều cơ sở sản xuất các loại bánh có hình các con vật nhiều màu sắc, được chế biến từ các loại phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, gây độc hại cho người sử dụng.

Các nguyên liệu làm nhân bánh thường có: trứng, thịt, hoa quả, xúc xích, lạp xườn...cũng là những thực phẩm dễ bị ô nhiễm và cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi phát triển.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất bánh Trung thu chỉ ghi hạn dùng đến ngày nào đó mà chưa ghi ngày sản xuất, nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Thực tế, với bánh dẻo, trung bình hạn dùng chỉ từ 8-10 ngày, bánh nướng có thể tới 20-30 ngày, song nhãn sản phẩm của nhiều cơ sở, trong đó có cả những doanh nghiệp có tên tuổi cũng chưa đảm bảo theo đúng quy định.

Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP, Bộ Y tế, hậu quả cuối cùng của việc không bảo đảm an toàn thực phẩm của một công đoạn hay nhiều công đoạn làm bánh sẽ khiến bánh bị ô nhiễm, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính và làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch thanh, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các loại sản phẩm bánh, kẹo phục vụ Tết Trung thu.

Cụ thể, đối với các cơ sở sản xuất, tập trung thanh, kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, quy định vệ sinh cá nhân người trực tiếp sản xuất.

Đối với các cơ sở kinh doanh, thanh kiểm tra điều kiện vệ sinh cơ sở nơi bảo quản, bày bán bánh, nguồn gốc xuất xứ bánh, hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, quy định ghi nhãn sản phẩm.

Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm theo quy định, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định để người dân biết.

Ông Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục ATTP cũng cho biết, trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải kết hợp tuyên truyền trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm các quy định về an toàn thực phẩm.

Với người tiêu dùng, nên mua bánh Trung thu ở các cơ sở có tên tuổi đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế và phải xem xét kỹ nhãn mác của bánh, ghi đầy đủ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng. Bánh Trung thu để lâu hoặc ở môi trường nóng, ẩm rất dễ bị mốc, hư hỏng nên cũng phải kiểm tra trước khi mua dù thời hạn sử dụng vẫn còn. Tuyệt đối không mua, không sử dụng bánh Trung thu không nhãn mác.

Bánh trung thu ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thường có mặt bánh vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không rớt. Trên thị trường hiện đã xuất hiện bánh Trung thu của nước ngoài, người dân cũng cần cảnh giác với các yếu tố độc hại có thể có như chất bảo quản, phẩm màu độc hại, sự hư hỏng biến chất bên trong bánh…

Hiền Minh

Top