Nguy hại khôn lường từ thiếu thông tin

17/05/2019 5:18 PM

(Chinhphu.vn) - Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang diễn biến bất thường. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT TP. Hà Nội, tính đến ngày 13/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 7.760 hộ chăn nuôi của thành phố. Tuy nhiên thông tin xung quanh DTLCP vẫn còn khá “nhiễu”, dẫn đến việc điều hành dập dịch gặp nhiều khó khăn.

Cần thông suốt thông tin về DTLCP để người chăn nuôi và người tiêu dùng có định hướng chính xác - Ảnh: Đỗ Hương

Thiệt hại lớn

Thông thường trong những thời điểm có dịch bệnh về lợn các cửa hàng bán thịt lợn “sạch” sẽ đắt hàng hơn bình thường nhưng theo phản ánh của chị Nguyễn Thị Hồng (Cửa hàng thịt sạch Hồng Huy, Ngô Thị Nhậm, Hà Đông) thì lượng khách hàng thời điểm này cũng không tăng nhiều. Theo lý giải của chị Hồng thì do thông tin về dịch bệnh khiến người tiêu dùng lo ngại việc kiểm soát dịch không tốt thì ngay cả những cửa hàng như chị cũng có thể lọt vào thịt nhiễm dịch.

“Quan trọng hơn là giá tăng lên cùng với lo ngại của người tiêu dùng nên lượng tiêu thụ cũng khá cầm chừng. Thời điểm này bán những sản phẩm khác như thịt bò, trứng… thì “chạy” hơn thịt lợn”, chị Hồng thông tin thêm.

Không chỉ có chị Hồng là “đầu ra” cho các sản phẩm thịt lợn than khó, ngay những người dân quanh vùng có buôn bán thịt lợn cũng cho biết khi có dịch thì “bế quan tỏa cảng” ngay trong làng trong xã cũng không bán, không mua. Trong khi đó người nuôi thì cũng rất trông chờ tiền hỗ trợ để tiêu hủy lợn nhiễm DTLCP… Mọi việc cứ thế đóng băng trong khi dịch thì ngày càng lan rộng.

Theo Sở NN&PTNT số hộ mắc DTLCP đã chiếm 9,6% tổng số hộ chăn nuôi và TP đã phải tiêu hủy trên 120.000 con lợn với trọng lượng gần 8.200 tấn. Một trong những nguyên nhân khó khăn hiện nay theo phản ánh của Sở NN&PTNT TP. Hà Nội là do không được cung cấp thông tin về diễn biến dịch tả lợn châu Phi để có biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, trong số các hộ có lợn phải tiêu hủy, có tới 23 hộ phải tiêu hủy từ 200 con trở lên, cá biệt có một hộ dân ở Đông Anh phải tiêu hủy tới 629 con lợn do nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Việc phải tiêu hủy lợn với số lượng lớn ở Hà Nội đang làm phát sinh nhiều vấn đề, đó là thiếu đất để chôn lấp lợn bệnh, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường sinh thái. Nhiều nơi, việc tiêu hủy lợn kéo dài do không tìm được chỗ chôn đã làm phát sinh dịch bệnh tại khu vực.

Cũng theo báo cáo của Sở NNPTNT Hà Nội, các hộ chăn nuôi lớn, áp dụng đầy đủ quy trình an toàn sinh học, hiện lợn đến kỳ xuất chồng không bán được nếu chỉ tiêu thụ trên địa bàn cấp xã, huyện, cũng là nguy cơ làm phát sinh dịch bệnh, tạo tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách bồi dưỡng chưa phù hợp cho người trực tiếp tham gia chống dịch, nên việc huy động nhân lực phòng, chống dịch cũng gặp khó khăn.

Đặc biệt, theo Sở NNPTNT Hà Nội, công tác xét nghiệm, trả lời kết quả xét nghiệm còn mất nhiều thời gian (2-3 ngày mới có kết quả) đã gây khó khăn trong việc quản lý, tiêu hủy lợn ốm chết và tăng nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.

Trong cuộc họp trực tuyến các địa phương với Bộ NN&PTNT Về DTLCP mới đây, Sở NNPTNT Hà Nội cũng rất băn khoăn về việc tin diễn biến dịch bệnh của các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước, nên trong việc xuất bán lợn và kiểm dịch động vật gặp nhiều khó khăn, nhất là khó xuất bán cho cơ sở chăn nuôi đến kỳ xuất bán.

Kiến nghị thông suốt thông tin

Trước các tồn tại nói trên, Hà Nội đã kiến nghị, Bộ NN&PTNT định kỳ cung cấp thông tin diễn biến dịch bệnh của các tỉnh, thành trên địa bàn cả nước để địa phương chủ động các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, thực hiện đúng các quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật.

Hà Nội cũng kiến nghị, Bộ NN&PTNT phát động phong trào hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn khỏe mạnh của nhân dân, đẩy mạnh tuyên truyền người dân không quay lưng với thịt lợn, tiếp tục tiêu thụ, sử dụng thịt lợn an toàn để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi.

Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan chỉ đạo chính quyền địa phương tiêu hủy ngay toàn bộ số lợn theo quy định. Đồng thời triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh như: Rà soát, thống kê, ký cam kết; lập chốt kiểm dịch kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra, vào vùng dịch; tuyên truyền, hướng dẫn; lấy mẫu giám sát tại các hộ chăn nuôi lợn xung quanh; khử trùng tiêu độc tại hộ, tổ dân phố, xã, phường theo quy định.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, công tác chống dịch còn gặp nhiều khó khăn do thành phố giáp với 8 tỉnh, thành có nhiều tuyến đường giao thông nên việc quản lý vận chuyển động vật và sản phẩm động vật chung và từ lợn là vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có tổng đàn lợn lớn khoảng 2 triệu con, trong đó nuôi nhỏ lẻ, trong dân vẫn chiếm tỷ lệ cao (trên 60%). Đáng chú ý, giá thịt lợn trong những ngày qua có nhiều biến động khó lường, nhất là khi có nhiều thông tin về dịch bệnh khiến tâm lý người dân ảnh hưởng có tư tưởng bán nhanh, bán chạy để thu hồi vốn, dẫn đến giá lợn sụt giảm.

Để phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trước mắt Hà Nội cần tập trung một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục phát động đợt tổng tẩy uế môi trường trên địa bàn toàn thành phố; kiểm tra tất cả các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời thành lập tổ kiểm dịch lưu động để kiểm tra dịch bệnh tại các vùng giáp ranh với các tỉnh, thành có dịch. Triển khai giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các cơ sở, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả, không để lây lan diện rộng. Thực hiện việc ký cam kết với các hộ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch bệnh.

Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, dụng cụ lấy mẫu, dụng cụ chuyên ngành và bảo hộ lao động. Tiếp tục hướng dẫn các tổ chức cá nhân xây dựng các chuỗi sản xuất liên kết sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm…

Ông Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, để người chăn nuôi yên tâm và chủ động khai báo khi lợn bị nhiễm bệnh và phải tiêu hủy, các địa phương cần chủ động ngân sách từ nguồn dự phòng để hỗ trợ kịp thời cho bà con. Theo đó, sau 5 ngày lợn bị tiêu hủy phải hỗ trợ tiền để bà con yên tâm. Trước mắt, thực hiện hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn hơi

Ông Nguyễn Văn Sửu cũng yêu cầu, lãnh đạo các sở ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là các bí thư, chủ tịch các địa phương phải trực tiếp vào cuộc. Nếu quận, huyện nào để xảy ra tình trạng người dân ném lợn chết ra sông thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước thành phố.

Theo Bộ NN&PNTT, dịch tả lợn châu Phi không lây sang động vật nuôi khác và nhấn mạnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người. Do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Đỗ Hương

Top