Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng với báo chí cách mạng Việt Nam

15/03/2019 5:12 PM

(Chinhphu.vn) - Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng là một trong những lãnh đạo tiêu biểu trong lịch sử 69 năm xây dựng và phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam. Đối với các thế hệ nhà báo Việt Nam, Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng thực sự là một tấm gương điển hình cần tuyên truyền, học tập nhằm góp phần đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

* Bảo tàng Báo chí tiếp nhận gần 400 hiện vật, tư liệu, hình ảnh trưng bày

* Triển lãm chuyên đề 70 năm trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

* Quảng bá văn hóa truyền thống Hà Nội tại Hội báo toàn quốc 2019

* Thủ tướng đánh trống khai hội Hội báo toàn quốc 2019

* Khai mạc Hội báo Toàn quốc 2019

Nhóm "Hoa Mai Vàng" gồm các ông Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng (từ trái qua phải). Ảnh tư liệu

Chiều 15/3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019, Hội nhà báo Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng với báo chí cách mạng Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng (1920-2009) là một cán bộ lão thành cách mạng, người con ưu tú của quê hương Nam bộ, nhà văn hóa lớn, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân; là đại biểu Quốc Hội từ Khóa I (1946) đến Khóa V (1976), Phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM (1983). Ông nổi tiếng với những ca khúc cách mạng trong nhóm Hoàng Mai Lưu (Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết nhạc, ông viết phần lời), như Tiếng gọi thanh niên, Xếp bút nghiên, Bạch đằng giang, Giải phóng miền Nam, và nhiều bài thơ, bài báo đậm chất đâu tranh chống áp bức thời Pháp thuộc.

Thông qua việc tổ chức Tọa đàm, Hội Nhà báo Việt nam mong muốn tạo cơ hội để các nhân chứng, các nhà khoa học, các đồng nghiệp,… gặp gỡ, trao đổi những vấn đề liên quan đến lịch sử báo chí Việt Nam; coi đây là một trong những hoạt động tri ân và học tập các bậc nhà báo tiền bối có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng thời là dịp để những đồng nghiệp chúng ta tưởng nhớ, thể hiện tình cảm với nhà báo Huỳnh Văn Tiểng, nguyên Phó tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban PT-TH Việt Nam, một nhà báo tiêu biểu của ngành phát thanh và truyền hình cả nước, một lãnh đạo báo chí có nhiều đóng góp to lớn cho nền báo chí Việt Nam…

Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng sinh ngày 10/10/1920 như ông tự kể trong bài thơ “Tự mừng tuổi mình”, quê ở Củ Chi, huyện ngoại thành Sài Gòn, được gia đình đưa lên Sài Gòn học trung học ở trường Pe’trus Ký (Trường THPT Lê Hồng Phong sau này). Sớm nhận ra cảnh đất nước bị đô hộ, nhân dân sống như nô lệ, lại chứng kiến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị dìm trong bể máu, những thanh niên cùng lứa tuổi ở trường đã nhen nhúm lửa yêu nước. Họ gặp nhau, kết bạn và đều muốn làm gì đó cho đất nước. Họ là Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê. Ở tuổi 18-20, họ thành lập câu lạc bộ học sinh thu hút hàng nghìn hội viên, sinh hoạt chủ yếu qua thơ ca, nhạc, kịch, mang nội dung yêu nước.

Ông từng tâm sự “Ngay từ hồi nhỏ, tôi đã không ưu Tây, không ưu bọn cường hào ác bá…”. Cách mạng đã đưa bộ ba Huỳnh Văn Tiểng-Mai Văn Bộ- Lưu Hữu Phước gắn bó với nhau khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ cùng nhau sáng tác những bài hát, bài thơ, vở kịch để nêu cao lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược… Những bài hát như: Tiếng gọi thanh niên, Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Xếp Bút Nghiêng, Lên Đàng… giục giã thanh niên, sôi sục nhiệt huyết, cùng đấu tranh giải phóng dân tộc.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Diệu Anh

Chia sẻ tại Tọa đàm, Nhà báo Đoàn Minh Tuấn, Nguyên Tổng Biên tập Báo Văn hóa nhớ lại một số kỷ niệm với Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng. Đó là năm 1944, hưởng ứng tinh thần “xếp bút nghiên” một phong trào của sinh viên yêu nước, Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng cùng bạn bè rời mái trường Luật, trong đoàn thanh niên, sinh viên về Nam bằng xe đạp. Về Sài Gòn, cùng các đồng chí Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ tham gia vào hàng ngũ thanh niên tiền phong, tham gia khởi nghĩa tháng Tám ở Sài Gòn-Gia Định. Năm 1945, Nhà báo Đoàn Minh Tuấn cũng đã theo chân Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng xếp bút nghiêng lên đường tham gia chiến đấu ở Tây Nguyên, chiến thắng Điện Biên Phủ,…

Trong một bài thơ nhân trở lại mái trường xưa, nơi phát động phong trào xếp bút nghiêng của sinh viên, Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng Viết: “Ngót 60 năm xếp bút nghiên/Lên đàng cứu nước lắm truân chuyên…”. Ký ức xếp bút nghiêng lên đường chiến đấu vào thời điểm hào hùng ấy, mãi là những hình ảnh đẹp.

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ, ngay từ bé, nhà báo Huỳnh Văn Tiểng đã có những bài báo đấu tranh chống áp bức, cường quyền, bọn thực dân xâm lược. Có lẽ vì vậy mà sau khi thực dân Pháp trở lại gây hấn với Việt Nam, ông được cử làm Phó chủ tịch ủy ban kháng chiến Nam Bộ, phụ trách công tác tuyên truyền. Trong sự nghiệp báo chí, Huỳnh Văn Tiểng cũng có những đóng góp lớn lao, đặc biệt trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình. Ông được đích thân đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện của Chính phủ cụ Hồ tại miền Nam ký quyết định điều về làm Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Nam Bộ, đóng ở Quảng Ngãi. Ông trực tiếp viết bình luận cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Tháng 2/1948, ông lại được điều về Nam Bộ làm Phó Giám đốc Sở Thông tin và Tuyên truyền Nam Bộ, được giao quản lý phát thanh.

Huỳnh Văn Tiểng có 20 năm công tác, gắn bó sâu sắc với Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 1955-1975. Sau khi tập kết ra Bắc, ông được phân công làm Phó Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo và duyệt bài các chương trình phát thanh vào Nam. Cán bộ Ban Biên tập miền Nam thường gọi ông là anh Tư Tiểng.

Hai thập niên làm việc tại Đài Phát thanh Quốc gia, Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng đã lăn lộn cùng tập thể lãnh đạo Đài thực hiện nhiều công việc quan trọng, xây dựng và phát triển Đài trên các mặt; xây dựng nhiều phương án  bảo đảm làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam được phát liên tục không bị ngừng nghỉ khi Mỹ ném bom, hủy diệt nhiều nơi ở miền Bắc…

Những cống hiến xuất sắc của Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng với sự nghiệp cách mạng báo chí Việt Nam là rất to lớn. Ông là tấm gương sáng để những người làm báo hôm nay học tập về tinh thần làm việc, cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung; trách nhiệm trong từng con chữ, từng tin bài, từng chương trình; sống giản dị, chan hòa, nhân ái; luôn lạc quan, thẳng thắn đúng chất của một người Nam Bộ.

Diệu Anh

Top