Nhân rộng mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

10/08/2016 11:25 AM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện 88 mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng để tiến hành các hoạt dộng can thiệp, trợ giúp với các em được kịp thời, hiệu quả.

Ảnh minh họa

Xây dựng mạng lưới cộng tác viên nòng cốt

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chinh phủ về Chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình 267), TP. Hà Nội đã nhân rộng mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm thuộc các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Để triển khai dự án, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của về kiến thức quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; các chính sách của Nhà nước và thành phố về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; kỹ năng sống cho trẻ em; phòng chống xâm hại/lạm dụng cho trẻ em, quy trình can thiệp trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục...

Từ thành phố đến cơ sở đã xây dựng mạng lưới cộng tác viên nòng cốt là tổ trưởng dân phố, cán bộ hưu trí tham gia (mỗi cộng tác viên theo dõi, phụ trách từ 50-250 hộ gia đình). Bên cạnh đó, một số địa bàn trọng điểm đã hình thành mạng lưới tình nguyện viên là trẻ em nòng cốt gồm 15-20 trẻ/địa bàn với vai trò nắm bắt tình hình trẻ em, làm tuyên truyền viên.

Từ năm 2011, Hà Nội bắt đầu triển khai thực hiện 23 mô hình tại phường Hạ Đình, Khương Đình, Nhân Chính, Phương Liệt, Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân); xã Tần Minh, Tân Hưng, Bắc Phú, Việt Long, Xuân Thu (huyện Sóc Sơn); phường Phúc Xá (quận Ba Đình); phường Long Biên, phường Bồ Đề (quận Long Biên)...

Ngoài ra, 8 mô hỉnh bảo vệ chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng cũng được triển khai tại các huyện: Thạch Thất, Mê Linh, Quốc Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức và Thanh Trì bằng nguồn ngân sách.

Từ năm 2012 - 2015, bên cạnh mở rộng triển khai thực hiện các mô hình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và tổ chức Lao động Quốc tế ILO về thực hiện Chương trình xóa bỏ Lao động trẻ em đã phối hợp xây dựng Chương trình hành động về ngăn ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại 3 xã, phường là xã Nhị Khê, Hiền Giang (huyện Thường Tín), phường Phúc Xá (quận Ba Đình).

Mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc vói chất độc hại dựa vào cộng đồng cũng được thực hiện tại xã Hiền Giang, huyện Thường Tín và xã Tiên Phong, huyện Ba Vì. Bên cạnh đó, mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực dựa vào cộng đồng được thực hiện tại xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây và xã Mê Linh, huyện Mê Linh.

Công an Thành phố đã duy trì mô hình điểm về quản lý, giáo dục, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em nghiện ma túy… tại cộng đồng và trẻ em tại trường giáo dưỡng như: Tại phường Phúc Xá (quận Đa Đình) phát động mô hình “ Phòng chống tệ nạn sử dụng mã túy trong lứa tuổi chưa thành niên”; phường Trung Tự (quận Đống Đa) tổ chức “ Liên kết với các trường học, đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm cướp, cưỡng đoạt tài sản của học sinh; phường Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng): “Liên kết với Công an phường với ác trường học và cụm dán cư trong công tác phòng ngừa đấu trạnh chông tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên” để hạn chê tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, giáo dục, cảm hóa, giúp các em nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Tăng nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng

Hiệu quả của mô hình là 2 chỉ tiêu cơ bản về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức chi tiêu đề ra. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp tăng lên qua các năm: Năm 2011 tỷ lệ trợ giúp, chăm sóc đạt 97,3%, năm 2012 tỷ lệ nâng lên 97,5%, đến năm 2015 tỷ lệ trẻ em được trợ giúp, chăm sóc đạt 99,4%.

Tỉ lệ trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp, trợ giúp, loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cũng tăng qua các năm: Năm 2011, tỷ lệ trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc đạt 85%, năm 2014 là 93,9%, đến năm tăng lên 95,21%.

Từ thực hiện Chương trinh 267, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai và thực hiện mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng bằng nguồn kinh phí quận, huyện như: Huyện Hoài Đức thực hiện mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em xâm hại tình dục, bị bạo lực dựa vào cộng đồng tại xã An Thượng; huyện Ứng Hòa thực hiện mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc lao động nặng nhọc, nguy hiểm khi tiếp xúc với chất độc hại dựa vào cộng đồng tại xã Viên Nội; huyện Quốc Oai thực hiện mô hình phòng chống xâm hại/lạm dụng tại xã Nghĩa Hưng, Phú Cát, Ngọc Liệp, Liệp Tuyết.

Theo Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội, việc xây dựng và vận hành hệ thống bảo vệ trẻ trên địa bàn đã giúp cho việc phát hiện thông tin về các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em cần được bảo vệ, từ đó có biện pháp bảo vệ và trợ giúp.

Việc thực hiện các mô hình điểm đã tăng cường nhận thức, trách nhiệm của gia đinh, nhà trường và xã hội đối với công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, tạo cơ hội cho mọi trẻ em trong đó ưu tiên nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được tiếp cận các dịch vụ, phúc lợi xã hội, các kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ trẻ em ngay từ cộng đồng.

Hoạt động truyền thông được tổ chức cho nhiều đối tượng với các hình thức đa dạng đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức và sự cam kết trách nhiệm của các cấp, các ngành, đồng thời chuyển đổi hành vi tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn Hà Nội.

Gia Hân

Top