Nhiệm vụ ngành nông nghiệp trong 9 tháng cuối năm

17/04/2019 10:46 AM

(Chinhphu.vn) - Thành ủy Hà Nội vừa đề ra nhiệm vụ 9 tháng cuối năm phát triển nông nghiệp theo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy.

Ảnh minh họa

Quý I/2019, các huyện, thị xã đã bám sát chỉ đạo của Thành phố, chủ động đề ra nhiệm vụ, giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất; hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ Xuân theo đúng thời hạn với tổng diện tích gieo trồng 114.170 ha; triển khai công tác phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm và thủy sản; thực hiện đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch bệnh tả lợn Châu Phi, dịch lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm A/H5N6.

Bên cạnh đó, các quận, huyện đã tập trung xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, Thành phố  có 131 mô hình (tăng 4 mô hình so với cuối năm 2018). Từ các mô hình này, các quận, huyện đã đẩy mạnh công tác liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau dồn điền đổi thửa được các huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, hiện đã chuyển đổi được 38,7 nghìn ha sau dồn điền đổi thửa sang các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX được quan tâm nhiều HTX, tổ đội sản xuất được hình thành, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Về xây dựng nông thôn mới, hiện các huyện Gia Lâm, Quốc Oai, Phúc Thọ đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND Thành phố xem xét, trình Hội đồng thẩm định Trung ương và Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Các huyện đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 (Chương Mỹ, Sóc Sơn, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây) đã chú trọng thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình. Các huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao (như huyện Đan Phượng sáng kiến thực hiện: 3 tập trung, 4 trụ cột, 5 điểm nhẩn).

Ngân sách Thành phố quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và dành nguồn lực đáng kể đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Kinh phí từ năm 2016 đến nay là 39.772,1 tỷ đồng, riêng quý 1/2019, kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới toàn Thành phố đạt 10.908,4 tỷ đồng. Các địa phương tích cực tuyên truyền vận động các doanh nghiệp và nhân dân tự nguyện đóng góp trong xây dựng nông thôn mới. Kết quả từ năm 2016 đến nay được 3.581,6 tỷ đồng, riêng 3 tháng đầu năm, được 370 tỷ đồng.

Thành ủy cũng đã biểu dương 12/12 quận đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới, với tổng kinh phí là 438,1 tỷ đồng, tăng 17 tỷ đồng so với cuối năm 2018; đặc biệt quận Thanh Xuân đã hỗ trợ với tổng kinh phí 183 tỷ đồng.

Đối với nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm, Thành ủy đề nghị các quận, huyện, đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện 2 nhiệm vụ chính, là : Rà soát chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình 02-CTr/TU; chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của Chương trình; chuẩn bị đạị hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020- 2015.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đặc biệt năm 2019, cần phấn đấu toàn Thành phố có từ 30 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa cho các hộ nông dân.

Bảo Khánh

Top