Nhiều bước tiến mới trong phát triển kinh tế ở Mê Linh

21/05/2019 3:11 PM

(Chinhphu.vn) - Trong thời gian qua, huyện Mê Linh đã tích cực thực hiện Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy về thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Nhờ đó, kinh tế ở Mê Linh đã có nhiều bước tiến mới, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Hiện nay, cơ cấu ngành công nghiệp trên địa bàn huyện Mê Linh chiếm 89%, nông nghiệp 6,6%, dịch vụ 4,4%. Tổng giá trị các ngành kinh tế tăng bình quân 7,5% so với cùng kỳ. Lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng khá (công nghiệp tăng 7,9%, dịch vụ tăng 17,2%). Tổng thu ngân sách hằng năm tăng 23% so với đầu nhiệm kỳ, môi trường đầu tư kinh danh dần được cải thiện. Các dự án đô thị trên địa bàn huyện từng bước khởi sắc. Tổng giá trị sản xuất năm 2018 đạt 24.188 tỷ đồng; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.500 tỷ đồng; thu nội địa đạt 510,9 tỷ đồng, bằng 103,2% kế hoạch,...

 Đối với công tác cải cách hành chính, huyện đã thường xuyên cập nhật, niêm yết, công khai các TTHC mới ban hành, TTHC được sửa đổi, bổ sung. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết TTHC; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên tất cả các lĩnh vực, đạt 100%. Đang triển khai tuyên truyền sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đến người dân, doanh nghiệp.

Huyện đã thực hiện các giải pháp rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh, nâng tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Đồng thời, chỉ đạo tăng cưòng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết TTHC, ưu tiên triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực đăng ký kinh doanh, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh từ 3 ngày xuống còn 2 ngày.

 Huyện cũng thường xuyên quan tâm lắng nghe, tạo điều kiện, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp về đất đai, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, bảo đảm các điều kiện phục vụ sản xuất (nguồn lao động, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, đời sống công nhân lao động,...) nhằm thu hút đầu tư để phát triển kinh tế địa phương.

 Để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, mở rộng sản xuất, huyện đã thực hiện giải pháp tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Hệ thống đường giao thông đảm bảo kết nối, giao thương thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực huyện có thế mạnh, như: Phát triển du lịch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao,...

Đối với sản xuất nông nghiệp, huyện đã đẩy mạnh quy hoạch, khuyến khích phát triển các khu trang trại, vùng sản xuất hoa, cây cảnh, cánh đồng trồng rau, củ, quả nông sản tập trung. Nghiên cứu hỗ trợ hình thành chuỗi các nhà vườn, nhân cấy và trưng bày, giao dịch các giống hoa của huyện.

Đối với phát triển giao thông vận tải, logistic, huyện xác định phát triển hệ thống giao thông vận tải có tính chất quan trọng tạo điều kiện thông thương hàng hóa, phát triển các ngành nghề công nghiệp, du lịch, dịch vụ và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào huyện...

Nhờ tập trung phát triển kinh tế nên đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 42,2 triệu đồng/năm (tăng 21,1% so đầu nhiệm kỳ). Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh còn 1,41%. Công tác xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc; hình thành nhiều mô hình sản xuất công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao như: Trồng lúa hàng hóa chất lượng cao; trồng hoa, cây ăn quả, sản xuất rau an toàn,...

Mới đây, tại buổi làm việc với Huyện ủy Mê Linh về việc thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020”, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đánh giá, Mê Linh là địa phương có nhiều thuận lợi về văn hóa, về con người và địa lý, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã triển khai khá bài bản, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm và đạt kết quả bước đầu. Tuy nhiên, so với yêu cầu chung và tiềm năng khả năng vốn có, tốc độ phát triển của Mê Linh vẫn còn chậm, độ năng động chưa tương xứng với yêu cầu.

Thời gian tới, huyện Mê Linh cần có giải pháp và quyết tâm cao hơn, trong đó tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để doanh nghiệp yên tâm, gắn bó phát triển tại địa phương. Trong quá trình phát triển, huyện Mê Linh cần đặc biệt lưu ý vấn đề duy trì môi trường xanh, sạch, đẹp để phát triển theo hướng bền vững.

 Về đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững, huyện cần lưu ý gắn kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp, gồm liên kết nhà nông, nhà quản lý, nhà nước, nông dân trong đó, phải nhấn mạnh vai trò quản lý nông nghiệp, giải quyết khó khăn ngay từ đầu để phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao...

Diệu Anh

Top