Nhiều hoạt động, mô hình sáng tạo bảo đảm an toàn thực phẩm

27/10/2020 4:49 PM

(Chinhphu.vn) - Thực hiện phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều hoạt động, chương trình, mô hình đã được triển khai thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý an toàn thực phẩm, kiểm soát an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm và xây dựng thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.

Điển hình, ngành Y tế đã xây dựng và triển khai 2 hoạt động chương trình an toàn thực phẩm (ATTP) bao gồm hoạt động tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh ATTP và Phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Với chuyên đề bảo đảm ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, từ năm 2015 đến nay Hà Nội tiếp tục triển khai cải thiện ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 198 phường, thị trấn. Triển khai mô hình ATTP 60 tuyến phố văn minh. Kết quả quản lý 32.451 cơ sở dịch vụ ăn uống và 5.488 cơ sở thức ăn đường phố, đã kiểm tra giám sát 100% cơ sở, tỷ lệ các tiêu chí ATTP đạt từ 80% đến 98,8%.

Với chuyên đề quản lý ATTP bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ quan, bệnh viện... và kiểm soát sữa học đường tại các cơ sở giáo dục, Trên địa bàn Thành phố có 5.281 bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ quan, bệnh viện, trường học... 100% được tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP và được giám sát, kiểm tra thường xuyên. Đặc biệt đối với các bếp ăn tập thể, căng tin trường học, nhà trường tổ chức tuyên truyền lồng ghép về ATTP cho giáo viên, học sinh và có sự tham gia của cha mẹ học sinh, hướng dẫn quận, huyện, thị xã phối hợp triển khai công tác bảo đảm ATTP tại các cơ sở giáo dục, 100% cơ sở được kiểm tra, giám sát.

Cùng với đó, mô hình kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người được triển khai. Năm 2020 triển khai tại 20 quận, huyện và 240 xã, phường, thị trấn, thành lập 240 tổ giám sát. Trên 80% các bữa cỗ tự nấu > 60 người ăn được giám sát ATTP từ khâu kiểm soát nguyên liệu thực phẩm đầu vào đến quá trình chế biến và tổ chức ăn uống, bảo quản vận chuyển thức ăn. Tổ chức tư vấn giám sát các điều kiện ATTP tại nơi nấu cỗ, lưu mẫu thức ăn, vận động ký cam kết đảm bảo ATTP. Từ năm 2016 đến đầu năm 2020, không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bữa cỗ đông người trên địa bàn thành phố.

Năm 2018, triển khai chương trình ATTP tuyến phố tại 8 tuyến phố thuộc 8 quận, huyện. Sau 1 năm triển khai, bộ mặt các tuyến phổ được cải thiện, hình thành nét đặc trưng riêng của những tuyến phố với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố được kiểm soát về ATTP. Đến năm 2019, tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai 14 tuyến phố ATTP có kiểm soát tại 12 quận, huyện, tổng số 508 cơ sở, tỷ lệ các tiêu chí ATTP đạt từ 80,7% đến 100%.

Ra sức thi đua thực hiện quyết liệt các biện pháp bảo đảm ATTP, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và triển khai mô hình hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, đẩy mạnh phát triển mạnh các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, bảo đảm ATTP với trên 5.000 ha sản xuất rau an toàn, 40 mô hình rau áp dụng Hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (PGS) tại 40 xã, phường, thị trấn thuộc 17 quận, huyện, thị xã với tổng diện tích trên 1.700 ha. Phát triển trên 2.527 ha VietGAP trồng trọt; 181 ha VietGAP nuôi trồng thủy sản, 88 cơ sở VietGAP chăn nuôi, gần 40 ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tăng 31 mô hình so với năm 2018). Việc sản xuất theo các tiêu chuẩn, hướng an toàn đã góp phần kiểm soát chất lượng, ATTP các sản phẩm nông sản ngay từ khâu sản xuất ban đầu, tạo tiền đề để quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Đến năm 2020, đã xây dựng và duy trì, phát triển 141 chuỗi liên kết ATTP từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tăng 2,6 lần so với năm 2016 (60 chuỗi). Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... Việc đẩy mạnh các chuỗi liên kết thực phẩm an toàn vừa giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng “được mùa mất giá”, vừa là hướng đi bền vững nhằm bảo đảm ATTP, nâng cao giá trị, chất lượng, mẫu mã các sản phẩm.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối Chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho thành phố Hà Nội tích cực, chủ động trong công tác kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản. Xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (tăng 243 chuỗi, tăng 44,7% so với năm 2018), trong đó có 253 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông.

Bên cạnh đó, hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội được duy trì (www.hn.check.vncheck.gov.vn), đã thiết lập và hoàn thiện các tài khoản quản lý (Module) cho “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội”  và các chức năng cho các cấp quản trị theo các sở ngành. Hiện tại đang thí điểm thiết lập 5 điểm truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản tại các điểm trưng bày sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn tại chợ đầu mối Minh Khai, Trung tâm thương mại Big C Thăng Long, Trung tâm trưng bày tại 489 Hoàng Quốc Việt, Siêu thị Coopmart Hà Đông, Cửa hàng Checkvnmart Đông Anh.

Ngành Công Thương đã triển khai thực hiện đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội”. Hiện nay, 12 quận nội thành thành phố có tổng số 809 cửa hàng kinh doanh trái cây. Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận hướng dẫn các cửa hàng kinh doanh trái cây hoàn thiện các điều kiện tại Đề án: 100% cửa hàng đã được cấp đăng ký kinh doanh (trước Đề án đạt 30%); 100% người trực tiếp kinh doanh đã thực hiện khám sức khỏe, xác nhận kiến thức về ATTP định kỳ theo quy định (trước đề án đạt trên 60%); 100% cửa hàng đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết bảo đảm ATTP (trước đề án đạt 30%); thu hồi 23 biển nhận diện do cửa hàng ngừng hoạt động kinh doanh. UBND các quận đã xây dựng được 40 tuyến phố văn minh không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè thuộc 12 quận (quận Thanh Xuân 11 tuyến, Hà Đông 5 tuyến, Cầu Giấy 8 tuyến, Đống Đa 4 tuyến, Hoàn Kiếm 4 tuyến, Hoàng Mai 2 tuyến...). 

Thiện Tâm

Top