Nhiều khó khăn trong kiểm soát vận chuyển phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi

18/03/2019 12:27 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội hiện giáp ranh với 8 tỉnh, trong đó có 4 tỉnh đã xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Với địa bàn rộng, việc kiểm soát vận chuyển giữa các tỉnh về Hà Nội, nhất là vận chuyển lậu qua các đường ngang, ngõ tắt gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh tả lợn châu Phi lây lan.

Lập chốt kiểm dịch để ngăn ngừa lây lan dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Thiện Tâm

Theo ông Trần Văn Bản, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và xây dựng Z30, khu giết mổ tập trung tại xã Tốt Đông, huyện Chương Mỹ thuộc Công ty cổ phần thương mại và xây dựng Z30 đi vào hoạt động từ năm 2018, mỗi ngày cơ sở này giết mổ từ 250-300 con/ngày. Không chỉ giết mổ cho các trang trại xung quanh, cơ sở giết mổ này còn nhập từ các tỉnh giáp ranh với Hà Nội về phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân Thủ đô. Mặc dù đã được chính quyền và lực lượng thú y cơ sở tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi, ý thức rõ được nguy cơ cao qua hoạt động giết mổ vận chuyển, cơ sở này đã tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch và ký cam kết không giết mổ, vận chuyển động vật chết tránh lây lan dịch

Theo ông Hoàng Văn Thám, Phó phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, hiện huyện đang là địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất của thành phố Hà Nội với trên 248.000 con. Trong khi đó, trên địa bàn huyện hiện có 30 cơ sở giết mổ lợn, trong đó chỉ có 4 cơ sở giết mổ tập trung, bán công nghiệp còn lại là 26 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư. Việc kiểm soát các cơ sở giết mổ này đang được chính quyền huyện Chương Mỹ rất quan tâm để đảm bảo phòng ngừa dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm gây thiệt hại cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn.

 

Việc kiểm soát vận chuyển giết mổ tại các huyện giáp ranh với các tỉnh đã có dịch đang là mối quan tâm của thành phố trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đình Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, đối với huyện Ba Vì, với địa bàn rộng, lại giáp ranh với 3 tỉnh đã công bố dịch là Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Phúc Thọ. Trước đây, để kiểm soát việc vận chuyển gia súc gia cầm ngoại tỉnh, thành phố đã cho thành lập chốt kiểm dịch Trung Hà tại xã Thái Hòa của huyện Ba Vì nhưng nay chốt đó đã ngừng hoạt động. Trong tình hình dịch như hiện nay, huyện đang kiến nghị thành phố cho thành lập lại chốt kiểm dịch tại địa điểm này để ngăn ngừa dịch. Cùng với đó, huyện cũng đã yêu cầu lực lượng Công an kết hợp với lực lượng thú y tăng cường kiểm tra kiểm soát tại các khu giết mổ, chợ dân sinh trên địa bàn huyện.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện nay, việc vận chuyển động vật ngoại tỉnh rất khó kiểm soát, nhất là việc người dân vận chuyển nhỏ lẻ qua các đường ngang ngõ tắt nhập lậu về Hà Nội tiêu thụ. Đây là nguy cơ rất cao trong tình hình dịch tả lợn Châu Phi đang có xu hướng lây lan nhanh tại 17 tỉnh.

Thành phố Hà Nội hiện giáp ranh với 8 tỉnh, trong đó nhiều tỉnh đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã xuất hiện 6 ổ dịch tả lợn tại: Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn và Quốc Oai. Nếu không kiểm soát tốt công tác kiểm dịch vận chuyển sẽ rất dễ bùng phát dịch trên diện rộng. Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT đã tham mưu với Thành phố Hà Nội thành lập đội kiểm dịch lưu động tại các vùng giáp ranh để ngăn ngừa việc vận chuyển lậu lợn qua các đường ngang ngõ tắt không qua chốt kiểm dịch. Đây được hy vọng sẽ giúp Hà Nội kiểm soát tốt hơn tình hình lây lan dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.

Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra với tỷ lệ chết lên cao tới 100%; hiện nay chưa có vaccine và thuốc điều trị, bởi vậy việc tuân thủ phòng chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng là hết sức cần thiết. Nhiệm vụ trọng tâm lúc này của ngành nông nghiệp Hà Nội là tập trung triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn, chú trọng đến việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của cả cộng đồng đối với phòng chống dịch bệnh. Đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn lợn, chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở hàng ngày theo dõi đàn lợn nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Đồng thời tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn.

Thiện Tâm

Top