Nhiều xác lợn chết trôi sông không chắc là lợn bệnh

16/05/2019 6:54 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện tượng nhiều xác lợn chết trôi sông không chắc chắn là lợn bệnh do người dân Hà Nội vứt ra. Nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trước tình trạng này.

Lợn bị dịch tả lợn châu Phi cần được đem đi tiêu huỷ theo đúng quy định để tránh lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thiện Tâm

Theo phản ánh của một số báo về việc có nhiều xác lợn chết trôi sông trên địa bàn thành phố Hà Nội, trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, hiện tượng nhiều xác lợn chết không rõ nguồn gốc trôi trên sông ở Hà Nội chưa chắc đã là lợn bệnh. Bởi theo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, nếu trên địa bàn nào xảy ra tình trạng lợn bị chết do dịch tả châu Phi mà không xử lý theo đúng quy trình làm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, Hà Nội luôn đảm bảo đủ kinh phí để hỗ trợ người chăn nuôi nếu không may lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi bị chết sẽ được hỗ trợ 80% so với giá thị trường. Mặt khác cũng có trường hợp xác lợn chết trên sông không rõ nguồn gốc có thể trôi từ nơi khác về không hẳn là của Hà Nội. Vì vậy có thể khẳng định không có hiện tượng người chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội vứt xác lợn chết ra sông.

Được biết, mới đây trên sông Đáy đoạn qua thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) có 3 xác lợn chết, trọng lượng mỗi con từ 80-100 kg đang trong quá trình phân hủy. Trong khi đó thị trấn Vân Đình chưa phát hiện có ổ dịch tả lợn châu Phi nào nhưng trong tuần qua chính quyền đã hai lần phải thuê người vớt xác lợn đem đi tiêu hủy. Khúc sông này là điểm giao giữa sông Vân Đình và sông Đáy nên rác thải từ đầu nguồn thường đọng lại.

Tại khu vực sông Đáy đoạn giao giữa xã Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) và xã Tân Sơn (Kim Bảng, Hà Nam) cũng có 2 con lợn chết trôi dạt trên dòng sông và chỉ cách chốt kiểm dịch xã Hương Sơn đặt tại tỉnh lộ 978 khoảng 200 m. Trong khi đó chính quyền đã lập nhiều chốt kiểm dịch động vật 24/24 trên các tuyến đường vào xã, khi có lợn chết trên sông chính quyền địa phương sẽ huy động cán bộ đi tiêu hủy ngay.

Theo Sở NN&PTNT, Sở đã phối hợp cùng các ban, ngành và chính quyền địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Phối hợp cùng cơ quan truyền thông đưa thông tin thường xuyên, kịp thời chủ trương, chính sách của nhà nước, diễn biến dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống; bám sát điểm dịch để chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn tổ chức, triển khai đồng bộ các giải pháp.

Song song tiếp tục triển khai lấy mẫu thử nhanh ngẫu nhiên bệnh dịch tả lợn châu Phi tại cơ sở giết mổ và nơi nguy cơ cao; chuẩn bị đầy đủ vật nhân lực, vật lực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. 

Thiện Tâm

Top