Nhìn nhận thẳng thắn những kết quả đạt được trong 5 năm xây dựng, phát triển

01/11/2015 10:52 AM

(Chinhphu.vn) - Thành uỷ Hà Nội cho biết, ý kiến góp ý của nhân dân Thủ đô vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng đã đánh giá cao cách nhìn nhận, đánh giá tổng quát 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI; đã chỉ ra những tồn tại, yếu kém cụ thể, thẳng thắn và không né tránh.

Người dân đồng tình với và đánh giá cao các bài học từ thực tiễn sau 5 năm thực hiện, về những ưu điểm, hạn chế và một số kinh nghiệm trong Dự thảo văn kiện đã nêu. Các ý kiến đồng tình và đánh giá cao các bài học từ thực tiễn sau 5 năm thực hiện. Những kết quả đạt được có sức thuyết phục và phản ánh đúng thực tế khách quan.

Tuy nhiên, người dân cũng đề nghị Thành phố làm sáng rõ hơn về “những thành quả quan trọng”, “một số lĩnh vực có chuyển biến lớn, căn bản, tạo tiền đề cho quá trình phát triển đất nước”. Đồng thời người dân cũng đề nghị làm rõ hơn, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo hoạt động Chính phủ, các bộ ngành và các tập đoàn kinh tế lớn bởi chưa được đề cập trong những thiếu sót, tồn tại; bộ phận tham mưu, xây dựng chính sách chưa được hiệu quả; công tác xây dựng Đảng chưa thật sự ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…

Những hạn chế, khuyết điểm được nêu trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội XII được đa số người dân nhất trí, đề cao tính thẳng thắn nghiêm túc chỉ ra những hạn chế còn tồn tại. Người dân cũng đề nghị bổ sung một số ý kiến như: Tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, tham nhũng, tội phạm và tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng; thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020 conc chủ quan, chưa lường hết những khó khăn, thách thức; tụt hậu kinh tế với các nước trong khu vực; tiềm năng kinh tế trong nước chưa được phát huy một cách triệt để; chưa ngăn chặn được chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm…

Người dân cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân: Tại sao nước ta không đạt được mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại? Quan điểm để xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa rõ; nguyên nhân chính của các hạn chế khuyết điểm là năng lực lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng còn yếu, sự quản lý điều hành kém hiệu quả của các cấp chính quyền…

Đối với việc nhìn lại 30 năm đổi mới Nhìn lại 30 năm đổi mới (1986 - 2016), hầu hết các ý kiến đều nhất trí cao với việc Trung ương đã đánh giá: “đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử” trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Song, cũng có ý kiến cho rằng phần đánh giá đã quá giản lược khi không đánh giá những thành tựu nổi bật mà chỉ đưa ra đánh giá tổng quát và một số bài học kinh nghiệm. Sau 30 năm đổi mới chúng ta đã có nhiều thành tựu to lớn trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao...

Người dân cũng cho rằng, sau 20 năm là một khoảng thời gian dài mà chúng ta chưa đẩy lùi được các nguy cơ mà Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng năm 1994 nêu lên vẫn tồn tại; thậm chí một số mặt còn để diễn biến phức tạp thêm. Vì vậy Đảng cần nghiêm túc kiểm điểm, tìm ra các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm khắc phục bằng được để củng cố niềm tin của dân với Đảng.

Liên quan đến mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016-2020, có Một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung dự báo về khả năng xung đột cục bộ giữa các nước có chung biên giới, xung đột trên biển, xu hướng hiện đại hóa, tăng cường tiềm lực quân sự của một số nước trên thế giới và khu vực; nhấn mạnh âm mưu độc chiếm Biển Đông của nước lớn, để nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần bảo vệ chủ quyền đất nước của toàn Đảng, toàn dân.

Ý kiến nhân dân cũng cho rằng phần dự báo tình hình trên thế giới nên phân tích theo kết cấu bao gồm các mặt như: thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức để làm cơ sở cho việc xác định giải pháp phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu...

Có ý kiến mong muốn Đảng cần có các dự báo thận trọng về nhiều xu thế biến động của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là những vấn đề khó khăn thách thức ở trong nước, để chủ động có giải pháp phòng chống và đối phó đạt hiệu quả. Đảng cũng cần có những đối sách hữu hiệu để các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước có điều kiện thuận lợi nhất để tham gia hội nhập toàn diện nền kinh tế thế giới, làm cơ sở để nước ta tiếp tục phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị xã hội...

Về các chỉ tiêu quan trọng phấn đấu đạt được trong 5 năm tới, một số ý kiến cho rằng, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ 6,5-7%/năm là cao so với tình hình trong nước và thế giới hiện nay, cho nên nhiệm kỳ tới chỉ nên đề ra mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5%. Mục tiêu đến năm 2020, GDP bình quân đầu người là 3.200-3.500USD cũng khó khả thi khi năng suất lao động của nước ta còn thấp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia còn yếu...

Với việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hầu hết các ý kiến đều đồng tình và nhất trí với định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu nền kinh tế như trong dự thảo. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị, khi cơ cấu lại nền kinh tế cần nghiên cứu, xem xét thế mạnh của từng địa phương để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm mới đem lại hiệu quả cao; cần hoàn thiện thể chế kinh tế, tăng cường vai trò của Nhà nước bằng các quy định của pháp luật, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu lại nền kinh tế cần có bước đi thích hợp, có chính sách cụ thể, tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; quan tâm đến phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn...

Về phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh CNH, HĐH sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, ý kiến người dân cơ bản nhất trí với Dự thảo văn kiện. Tuy nhiên, ý kiến người dân góp ý cần đánh giá rõ nền kinh tế nước ta đã chuyển dịch theo hướng nào, ưu tiên những ngành nào chứ không nên đánh giá sự chuyển dịch của các ngành kinh tế một cách chung chung. Cần có lộ trình cho từng giai đoạn phát triển, phải áp dụng đồng bộ các biện pháp để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Đánh giá tình hình xây dựng Đảng trong 5 năm qua, một số ý kiến cho rằng, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng đạt hiệu quả chưa cao. Phê bình và tự phê bình từ Trung ương đến cơ sở chưa thực sự thẳng thắn, có nơi còn bao che khuyết điểm cho nhau. Có nơi, năng lực lãnh đạo của cán bộ Đảng còn yếu, điều hành tổ chức thực hiện hiệu quả thấp, công tác kiểm tra của Đảng còn kém hiệu lực. Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở một số địa phương còn hình thức.

Một số ý kiến cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng còn chưa quyết liệt, chưa có nhiều biện pháp phát hiện và xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ tham nhũng, đặc biệt là những cán bộ đang đảm nhiệm những chức vụ quan trọng. Có ý kiến nhấn mạnh cần phải tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, học tập lý luận, công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Còn nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII, ý kiến người dân đồng tình và thống nhất cao với nội dung đã nêu trong Dự thảo. Người dân cũng góp ý, cần nghiên cứu và đề xuất thêm các “đột phá chiến lược” đối với nền kinh tế, bổ sung thêm nhiệm vụ “Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, đảy mạnh đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các loại tội phạm, tham nhũng, lãng phí, quan liêu…”.

Gia Huy

Top