Nỗ lực đáp ứng, hỗ trợ các doanh nghiệp chủ lực

05/11/2020 1:58 PM

(Chinhphu.vn) - Với định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chủ lực, thúc đẩy hợp tác, liên kết với sản phẩm công nghiệp chủ lực các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước, những năm qua, TP. Hà Nội luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp chủ lực trong giải quyết thủ tục hành chính; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại,…

Việc đầu tư cho sản phẩm công nghiệp chủ lực là hướng đi đúng đắn và cần thiết. Ảnh: Diệu Anh

Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện Thành phố có 92 sản phẩm (gồm quần áo, nhựa, đá vicostone, khóa, dây cáp điện, tôn mạ...) của 59 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực (bằng 115% mục tiêu Đề án phát triển công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2025). Trong đó, riêng năm 2019, Thành phố xét chọn và công nhận 30 sản phẩm của 22 doanh nghiệp. Đây là những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, phát huy được giá trị truyền thống, đồng thời định hướng sản xuất cho các sản phẩm cùng loại; góp phần khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường.

Các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận đều đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao mức độ tự động hóa.

Đáng chú ý, doanh thu của 59 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2019 đạt gần 100.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1 tỷ USD, điển hình như: Tổng công ty May 10, Tập đoàn Sơn Hà, Tập đoàn Tân Á, Công ty cổ phần Vicostone, Công ty Dây và cáp điện Thượng Đình, Công ty Tôn mạ Thăng Long, Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội, Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp...

Các doanh nghiệp tham gia đề án được TP. Hà Nội hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại; nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ ứng dụng công nghệ, phát triển nhân lực; hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm, sản xuất sạch…

Tuy nhiên, theo đại diện một số doanh nghiệp, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố đang phải chịu sức ép cạnh tranh lớn ngay trên “sân nhà”. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vicostone Phạm Anh Tuấn cho biết, sức ép cạnh tranh đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực đổi mới sáng tạo bên cạnh sự hỗ trợ của Thành phố.

Trong khi đó, Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phụ kiện ngành nhựa Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ, chi phí sản xuất như tiền thuê đất, lao động, các dịch vụ... tại Hà Nội cao hơn các tỉnh, thành phố lân cận, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Cần sự đầu tư xứng tầm

Có thực tế, dù đóng góp đáng kể cho sự phát triển của kinh tế Thủ đô nhưng tính cạnh tranh của những sản phẩm này đang còn hạn chế vì doanh nghiệp vẫn phải chịu các chi phí lớn về tiền thuê đất, lao động, nguồn nguyên liệu… Do đó, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu với nền kinh tế thế giới như hiện nay thì việc đầu tư cho sản phẩm công nghiệp chủ lực là hướng đi đúng đắn và cần thiết, song rất cần sự đầu tư xứng tầm.

Để những “hạt nhân” doanh nghiệp có được sản phẩm chủ lực, sự hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng. Ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…, doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ trong tiếp cận vốn ưu đãi, khoa học công nghệ, được tạo điều kiện để tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tạo cầu nối giữa những nhà sản xuất có công nghệ thiết bị hiện đại, tiên tiến của nước ngoài với doanh nghiệp trong nước để doanh nghiệp liên kết, đầu tư theo hướng hiện đại, đáp ứng các điều kiện ngày càng cao theo tiêu chuẩn quốc tế.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, để khắc phục những tồn tại, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố, cuối tháng 9/2020, Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí dự kiến là 200 tỷ đồng. Mục tiêu của kế hoạch nhằm thu hút sự tham gia của 100 doanh nghiệp đến 120 doanh nghiệp, với khoảng 150 sản phẩm đến 180 sản phẩm được Thành phố công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố giai đoạn 2021-2025.

Để đạt được mục tiêu, Thành phố sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức triển lãm giới thiệu sản phẩm, kết hợp mời các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối quốc tế lớn đến tham quan, kết nối và đưa sản phẩm công nghiệp chủ lực vào các chuỗi cung ứng toàn cầu...

Đặc biệt, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tiếp tục được ưu tiên bằng việc giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực xây dựng, hải quan, thuế, đầu tư... theo hướng tạo thuận tiện hơn cho các doanh nghiệp.

Thành phố cũng sẽ tập trung đôn đốc tiến độ thành lập, xây dựng và hoàn thiện các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn để tạo điều kiện phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo sự liên kết với các địa phương trong Vùng Thủ đô.

Diệu Anh

Top