Nỗ lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị

10/02/2019 10:00 AM

(Chinhphu.vn) – Với mục tiêu xây dựng chính quyền Thành phố theo hướng chính quyền điện tử, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” tiếp tục lựa chọn cho chủ đề công tác năm 2019 của TP. Hà Nội.

Bộ phận một cửa của UBND quận Hà Đông. Ảnh: Minh Anh

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, kết thúc năm 2018 với chủ đề công tác “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”, một trong những kết quả nổi bật là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành phố, các cấp, các ngành tiếp tục được thực hiện theo hướng sâu sát, quyết liệt, rõ trách nhiệm trên tinh thần 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”; “một đầu mối - một việc xuyên suốt” là một trong những kết quả đáng kể.  

Bên cạnh đó, công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều kết quả rõ nét. Theo đó, Thành phố chuẩn Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị theo Kết luận số 22-KL/TW của Bộ Chính trị, trong đó có nhiều đề xuất đột phá về mô hình quản lý; phân cấp thẩm quyền và các cơ chế đặc thù để phát triển Thủ đô như công tác quản lý quy hoạch đô thị và đất đai; quản lý đầu tư, quản lý tài chính – ngân sách; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức…;  Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc Thành phố. Rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các sở, ngành theo hướng tinh gọn đầu mối, kiên quyết cắt giảm số lượng, sắp xếp lại phòng, chi cục, trung tâm, ban quản lý dự án và đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ngành.

Trong năm qua, một trong những kết quả khác được cho là đáng kể trong nỗ lực nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị chính là việc thành phố Hà Nội chỉ đạo rất quyết liệt đổi mới toàn diện phương thức cung cấp dịch vụ công, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp.

Thành phố Hà Nội cũng đang chỉ đạo khẩn trương xây dựng Đề án thí điểm mô hình văn phòng tư vấn, cung ứng dịch vụ hành chính công tại quận Long Biên với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, góp phần tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế.

Năm 2018, Hà Nội đã đẩy mạnh và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm tra CCHC: đã kiểm tra đột xuất 33 cơ quan, đơn vị; kiểm tra công vụ theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố đối với 09 vụ việc; kiểm tra CCHC đối với 25 cơ quan, đơn vị; kiểm tra kiểm soát TTHC tại 22 cơ quan, đơn vị; trong đố tập trung vào việc kiểm tra việc chấp hành các chỉ đạo của Thành phố trong hoạt động công vụ; kỷ luật, kỷ cương hành chính; thái độ và giao tiếp ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Để có được kết quả nói trên năm 2018, Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đã xây dựng Kế hoạch triển khai, bám sát vào các nội dung chính của Kế hoạch số 52/KH-UBND và gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị;  chủ động thực hiện các nhiệm vụ được Thành phố giao tại Kế hoạch.

 

Tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy

Báo cáo Chính phủ và các cơ quan liên quan về kết quả thực hiện năm công tác 2018, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố đã kiện toàn, sắp xếp 102 Ban chỉ đạo thuộc UBND Thành phố còn 28 Ban chỉ đạo, giảm 74 ban (72,5%). Các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố tiếp tục thực hiện rà soát, điều chỉnh, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc Thành phố.  Rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các sở, ngành theo hướng tinh gọn đầu mối, kiên quyết cắt giảm số lượng, sắp xếp lại phòng, chi cục, trung tâm, ban quản lý dự án và đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ngành; bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động, mối quan hệ công tác giữa các cơ quan chuyên môn của Thành phố theo phương châm “Một việc, một đầu mối xuyên suốt”.

Hiện nay, thành phố Hà Nội đã đơn giản hóa 61 TTHC thuộc các lĩnh vực, ước tính chi phí tiết giảm cho tổ chức, cá nhân khoảng 43 tỷ đồng/năm)…; giao Sở Nội vụ nghiên cứu, xây dựng đề án, đề xuất một số mô hình mới phù hợp với đặc thù của Hà Nội trong thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp Phòng và tương đương thuộc các sở, ngành, UBND cấp huyện để báo cáo xin ý kiến Thành ủy xem xét quyết định trong thời gian tới.

Nhằm nâng cao hiệu quả, tinh giảm biên chế, giảm chi ngân sách, cùng với đổi mới sắp xếp bộ máy các cơ quan hành chính, thành phố Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch nâng mức tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2021, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan có liên quan và giao chỉ tiêu và kế hoạch thực hiện.

Hiện nay toàn thành phố Hà Nội đã chuyển được 106 đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên giảm 8.761 biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Để quản lý biên chế thống nhất và hiệu quả, UBND Thành phố đã chỉ đạo thống nhất nguyên tắc quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội, yêu cầu các cơ quan, đơn vị quán triệt và có giải pháp đồng bộ thực hiện đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, thực hiện việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần

Đối với các tổ chức tự quản tại cấp xã, thành phố Hà Nội đã giao cho Sở Nội vụ yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, báo cáo số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Tính đến nay, toàn Thành phố có 56.333 người hoạt động không chuyên trách, trong đó cấp xã 10.100; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố: 46.233.

 

Đẩy mạnh cải cách hành chính

 

Năm 2018 được đánh giá là năm có nhiều kết quả nổi bật trong nỗ lực cải cách hành chính của thành phố Hà Nội. Hiện thành phố đang chỉ đạo xây dựng Bộ Chỉ số đánh giá năng lực điều hành của các Sở, cơ quan tương đương Sở, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã tại thành phố Hà Nội, UBND Thành phố cũng đã Quy định việc áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã tại thành phố Hà Nội. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước quy định thống nhất trong toàn Thành phố việc áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã được giao cung ứng dịch vụ công ích.

Đến nay, Hà Nội đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo, Tổ thư ký triển khai xây dựng Bộ khung chỉ số và Kế hoạch triển khai xây dựng Bộ Chỉ số. Hà Nội cũng đã ban hành Khung Chỉ số CCHC áp dụng đối với các xã, phường, thị trấn và yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng và ban hành Bộ chỉ số CCHC áp dụng cho các xã, phường, thị trấn trực thuộc.

Song song với các nhiệm vụ tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra công vụ; chú trọng kiểm tra chuyên đề, đột xuất; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế, xây dựng đô thị, văn hóa- xã hội, an ninh- quốc phòng; bám sát, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương; của các cấp ủy đảng, vai trò của HĐND các cấp, phối hợp chặt chẽ với UBMT Tổ quốc, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, Hà Nội đã xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ Thành phố đến cơ sở có thái độ giao tiếp, ứng xử chuẩn mực; có năng lực và tính chuyên nghiệp cao trong thực thi công vụ, nhiệm vụ được giao trên tinh thần “lấy sự hài lòng của người dân và sự phát triển của doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc”.

Nhằm chuẩn hóa các chức danh cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý các cấp, Thành phố đang giao Sở Nội vụ rà soát, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn về quản lý cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã. Thực hiện Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16/5/2018 của Thành ủy Hà Nội quy định khung tiêu chí đánh giá hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, bước đầu đã đạt được kết quả tốt, nâng cao được trách nhiệm, tính tự giác, trong điều hành công việc chuyên môn của Trưởng phòng chuyên môn cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã.

Minh Anh

Top