Nông nghiệp Thủ đô: Quyết tâm bứt phá từ ‘dịch kép’

20/05/2020 5:51 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi từ năm 2019 và sau đó tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 năm 2020 nhưng ngành nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng thấp nhất 4,12% và có thể cao hơn nữa để đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của kinh tế Thành phố.

* Bài 1: Hà Nội thực hiện nhiệm vụ "kép": Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế

* Bài 2: Hà Nội phải vươn lên, làm gương về phát triển

* Bài 3: Để doanh nghiệp Thủ đô ‘bật dậy’, phục hồi sau dịch

* Bài 4: Hướng đi nào cho du lịch Thủ đô sau tác động của dịch bệnh

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội. Ảnh: Thiện Tâm

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Chu Phú Mỹ, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế của cả nước cũng như toàn cầu. Riêng đối với Thủ đô Hà Nội, trước đó đã chịu nhiều thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra và hiện nay là dịch COVID-19. Để đạt được mục tiêu và vượt qua khó khăn ngành nông nghiệp phải có quyết tâm cao cùng giải pháp đồng bộ, linh hoạt, tạo chuyển biến mạnh mẽ của ngành.

Chỉ đạo kịp thời, hiệu quả

Trong năm 2019, trước và khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng bộ Sở NN&PTNT, ngành đã họp định kỳ hàng tháng và luôn lồng ghép, đặt nội dung về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt. Sở NN&PTNT giao cho Chi cục chăn nuôi và Thú y tổ chức hướng dẫn các trạm thú y, các xã kịp thời phát hiện các ổ dịch cũng như các vấn đề phát sinh, các hộ chăn nuôi, trang trại, các doanh nghiệp để đề ra giải pháp tập trung xử lý, tiêu hủy theo đúng quy trình hướng dẫn. Đồng thời thường xuyên tổng hợp báo cáo hằng ngày để Thành phố cũng như Sở NN&PTNT có các biện pháp giải quyết và hỗ trợ bà con nông dân khắc phục hậu quả khó khăn; khi dịch đã giảm thì thực hiện tái đàn.

Thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra rất nặng nề, nếu như đầu năm 2019 là 1,8 triệu con lợn đến cuối năm còn tầm 800 con, tiêu hủy khoảng 500 nghìn con. Trong khi đó Thành phố vẫn tổ chức giết mổ lợn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, do vậy đàn lợn không tăng được nữa. Nhưng hiện nay đã dần phục hồi và tăng lên 1,3 triệu con, ngành đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm 2020 sẽ tăng lên 1,8 triệu con.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa cho biết, với quy trình phòng dịch bài bản, chăn nuôi an toàn xa khu dân cư, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ đã giữ nguyên được đàn lợn nái và lợn thịt của mình. Do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, nguồn cung thiếu hụt, Hợp tác xã cũng đã đẩy mạnh việc sản xuất con giống cung cấp cho nhu cầu chăn nuôi của trang trại và cung cấp cho các hộ chăn nuôi trong huyện. Hiện nay, Hợp tác xã hiện có 2.500 con nái và trên 17.000 con lợn thương phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt lợn của người tiêu dùng Thủ đô.

Về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với ngành nông nghiệp Thủ đô, ông Chu Phú Mỹ chia sẻ: “Sau khi dịch COVID -19 xảy ra, Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành xây dựng kịch bản kinh tế của ngành để đối phó với dịch xảy ra. Theo đó ngành Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng 3 kịch bản: Một là khi dịch kéo dài đến cuối năm, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp phải đạt được 3,66%; hai là hết quý 3 hết dịch tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp là 3,99%; ba là hết quý 2 tốc độ tăng trưởng sẽ đạt từ 4,04% trở lên. Căn cứ vào đó Sở NN&PTNT đã xây dựng các giải pháp để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng nông thôn mới, xây dựng chương trình OCOP để đưa giá trị nông nghiệp từ nay đến cuối năm tăng ít nhất 4,12% …”.

Trong quá trình chỉ đạo, lãnh đạo Sở NN&PTNT đã họp và phân công nhiệm vụ giao cho các đơn vị của Sở NN&PTNT xây dựng hướng dẫn cụ thể. Điển hình như Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn các huyện phun khử khuẩn, phòng dịch; Chi cục Bảo vệ thực vật thực hiện quy trình các loại cây trồng, công tác bảo vệ thực vật;  Trung tâm khuyến nông thực hiện các mô hình, giải pháp để phối hợp hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân; Chi cục đê điều thủy lợi triển khai, hướng dẫn cho các địa phương phòng chống thiên tai, lụt bão để đảm bảo tưới tiêu kịp thời… Các giải pháp này đã được sự đồng thuận của Thành phố.

Ngoài các chính sách của Trung ương, Thành phố, Sở NN&PTNT còn có các chính sách khác như: Đề xuất Thành phố  hỗ trợ thêm thuốc diệt chuột bảo vệ sản xuất, vắc xin để tiêu độc khử trùng, tuyệt đối không để đàn gia súc, gia cầm có dịch bệnh xảy ra...  Do mấy năm trước người dân chuyển sang làm thủ công nghiệp không mặn mà với sản xuất nông nghiệp nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân có điều kiện để tận dụng diện tích đất nông nghiệp phục vụ sản xuất.

Hiện nay gia súc, gia cầm, thủy sản của ngành nông nghiệp cần nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất thức ăn như ngô, đỗ tương, bột cá, cơ bản nhập ở các nước châu Mỹ, châu Âu… Nhưng do ảnh hưởng bởi dịch nên nguồn cung nguyên liệu cho chăn nuôi cũng gặp khó khăn. Do đó Thành phố đã tổ chức Hội nghị mời các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi để thông báo nhu cầu của các doanh nghiệp tìm giải pháp; đề xuất với Chính phủ có chính sách nhập được nguyên liệu của Nga, Ukraina là hai nước có nguồn nguyên liệu ngô, đỗ tương rẻ… Các doanh nghiệp cũng cần lên kế hoạch thu mua, sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn đảm bảo.

Từng bước vượt qua dịch bệnh

Ông Chu Phú Mỹ nhận định sản xuất nông nghiệp từ đầu năm đến nay trên địa bàn Thành phố tương đối thuận lợi. Toàn Thành phố đã thu hoạch xong cây trồng vụ Đông và đang thực hiện tốt công tác chăm sóc, phòng trừ dịch hại cây trồng vụ Xuân, hiện các cây trồng đang sinh trưởng và phát triển tốt. Các hộ chăn nuôi lợn đã tiến hành tái đàn theo quy định; chăn nuôi trâu bò phát triển ổn định không có dịch bệnh lớn xảy ra; tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt. Các loại cây lâu năm tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng chuyên canh, tăng diện tích cây ăn quả, đặc sản; cây có giá trị cao và phù hợp với điều kiện canh tác trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ông Chu Phú Mỹ cho rằng, hiện nay ngành nông nghiệp Hà Nội đang đứng trước thách thức về tăng trưởng do sự tác động của dịch COVID-19, tình hình dịch bệnh, thời tiết và các tác động khác đến ngành nông nghiệp.

Dịch xảy ra bệnh đã gây ra nhiều tác động đến sự phát triển sản xuất cũng như tăng trưởng của ngành nông nghiệp như: Gặp khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa; hoạt động xuất nhập khẩu cung ứng nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản phẩm nông sản; hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi, hóa chất, phân bón, thiết bị nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô hoặc phải tạm dừng hoạt động.

Đặc biệt, do sản xuất nông nghiệp cho thu nhập thấp, trên địa bàn một số huyện có tình trạng người dân bỏ ruộng không sản xuất, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của ngành.

Vươn đến mục tiêu tăng trưởng ít nhất 4,12%

Vì vậy, ngành nông nghiệp đã đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành  năm 2020 tăng ít nhất 4,12% trở lên. Trong đó các chỉ tiêu từng lĩnh vực cần phải đạt: Trồng trọt tăng 0,28% ; chăn nuôi tăng 7,47%; thủy sản tăng 6,52%. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng thêm 15 xã, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Để đạt được mục tiêu này, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho rằng, ngành Trồng trọt bảo vệ thực vật cần phải phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã đôn đốc, chỉ đạo các địa phương và nông dân thực hiện tốt công tác chăm sóc, phòng trừ dịch hại và bảo vệ cây trồng vụ xuân năm 2020; tăng cường kiểm tra đồng ruộng, dự tính, dự báo, phát hiện sớm và xử lý sớm các bệnh trên cây trồng để không lây lan phát sinh thành dịch.

Đồng thời xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Mùa, vụ Đông trên cơ sở có các điều chỉnh phù hợp về cơ cấu cây trồng, diện tích gieo trồng, cơ cấu giống. Rà soát diện tích ruộng bỏ không sản xuất, đề xuất sản xuất các loại cây trồng phù hợp đối với từng loại diện tích; diện tích các loại cây trồng có khả năng bị ảnh hưởng thị trường tiêu thụ trong thời gian tới như diện tích sản xuất hoa, cây cảnh ngắn ngày đề xuất chuyển đổi sang cây trồng khác cho phù hợp.

Đối với ngành chăn nuôi và thú y phối hợp với các quận, huyện, thị xã, các địa phương tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh phát hiện sớm và xử lý triệt để, hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống, xử lý dịch bệnh theo quy định không để dịch lây ra diện rộng, nhất là không để tái phát dịch tả lợn châu Phi. Đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn lợn trên địa bàn Thành phố, không để tình trạng khan hiếm thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn, đảm bảo bình ổn giá thịt lợn.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tập trung xây dựng và phát triển các vùng sản xuất đối với các sản phẩm chủ lực. Thu hoạch, sơ chế, bảo quản nông sản đúng kỹ thuật để giảm thiểu tổn thất, tăng chất lượng và giá trị nông sản.

Nhóm PV

* Bài cuối: Nhiều lĩnh vực chủ động thích ứng với trạng thái ‘bình thường mới’

Top