Nước sạch: Cần nỗ lực từ nhiều phía

19/04/2019 4:52 PM

(Chinhphu.vn) - Mỗi khi thời tiết nắng nóng xuất hiện, câu chuyện về nước sạch lại được bàn đến như vấn đề cấp thiết trên địa bàn Thủ đô. TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để cải thiện nguồn nước, tuy nhiên để bảo đảm bền vững nguồn nước sạch cần nỗ lực quản lý của chính quyền địa phương và ý thức của người dân trong sử dụng.

Tỷ lệ số người dân đô thị được cấp nước sách tăng từ 96% lên gần đạt 100% - Ảnh An Khuê

Còn nhiều bất cập trong quản lý khai thác

Nhu cầu sử dụng nước sạch của toàn thành phố Hà Nội là rất lớn với khoảng 3 triệu m3/ngày đêm và tiếp tục tăng trong trong những năm tiếp theo. Vào thời điểm mùa hè nắng nóng, một số khu vực của Hà Nội phải đối mặt với việc thiếu nước sạch dẫn đến một số nơi phải sử dụng nguồn nước chưa bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn hiện hành.

Tình trạng thiếu nguồn nước cũng là khó khăn đối với các doanh nghiệp cung ứng nước trên địa bàn Hà Nội. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, hằng năm, giếng khai thác nước ngầm suy giảm từ 4-6%; nguồn nước Sông Đà cung cấp cho mạng cấp nước của Công ty chỉ đạt bình quân từ 36.000 m3/ngày đêm, lại thường xảy ra sự cố; trong khi nhu cầu sử dụng nước tăng từ 2-3% do phát triển dân số cơ học, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, vào dịp nắng nóng, thường từ 15-4 đến hết tháng 5-6, nhu cầu sử dụng nước tăng đột biến, lượng nước thiếu hụt 10-15%, tương đương 40.000-60.000 m3/ngày đêm. Hầu hết các quận nội thành đều có điểm khó khăn về nước, thường là ở cuối nguồn, cốt nền cao. Những năm qua, khi đường nước Sông Đà gặp sự cố, điểm khó khăn về nước rộng hơn, thậm chí kéo dài vài tuần.

Để bảo đảm chất lượng nước, Bộ Xây dựng đã đưa việc thực hiện cấp nước an toàn vào quy định pháp luật và hướng dẫn tổ chức thực hiện tại các đô thị toàn quốc. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sự phối hợp của các Bộ ngành liên quan, việc thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn tại các địa phương đã đạt được những thành công bước đầu. Đối với nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung có quy mô lớn tại đô thị, các đơn vị cấp nước đã quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng nước cấp và cơ bản bảo đảm yêu cầu quy định.

Nguồn nước đã và đang bị suy thoái cả về chất lượng và trữ lượng. Trong khi đó, giá nước sạch tại các đô thị được ban hành theo hướng tiệm cận với nguyên tắc tính đúng, tính đủ, nhưng nhìn chung còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Giá bán nước sạch chưa bao gồm đầy đủ các chi phí đầu tư bảo đảm cấp nước an toàn, giảm thất thoát nước, khấu hao một số hạng mục đầu tư công trình; lợi nhuận doanh nghiệp thấp; việc điều chỉnh giá nước chưa phù hợp với sự biến động giá của thị trường. Nhìn chung, giá tiêu thụ nước sạch chưa thực sự khuyến khích được doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển cấp nước.

Riêng tại Hà Nội, nhìn nhận về việc khai thác nguồn nước ngầm gây sụt lún, không bảo đảm chất lượng nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ đạo, thời gian tới đây thành phố sẽ giảm dần việc khai thác nước ngầm trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện nội dung trên, thành phố triển khai theo hướng, đầu tư mạng lưới đến đâu thì đóng cửa dần các giếng ngầm đến đó.

Song, để nguồn nước mặt được bảo đảm, phục vụ việc sản xuất nước sạch, Bí thư Thành ủy yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cùng các sở, ngành địa phương liên quan, tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp không xả thải ô nhiễm môi trường xuống hai bên sông Đuống; cần xử phạt thật nghiêm các hành vi xả thải trái phép ra sông.

Nỗ lực từ phía chính quyền

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, so với năm 2016, tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung đến hết năm 2017 tăng từ 897.000 m3/ngày đêm lên khoảng 950.000 m3/ ngày đêm. Tỷ lệ số người dân đô thị được cấp nước sách tăng từ 96% lên gần đạt 100%, giảm tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch xuống 20,5% (giảm khoảng 1% so với năm 2016).

Đến tháng 6/2018, 11 công trình cấp nước trên địa bàn TP đã hoàn thành và cấp nước sạch cho nhân dân. Sau 1 năm triển khai Kế hoạch số 133/KH-UBNND, UBND TP đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cấp nước cho 23 nhà đầu tư thực hiện 34 dự án với phạm vi cấp nước cho 267 xã, khoảng 614 nghìn hộ, với gàn 2,5 triệu người. Các dự án hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ cấp nước khu vực nông thôn lên khoảng 94%.

Để triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong công tác phát triển hệ thống nước sạch trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 11/6/2018, trong đó, yêu cầu Sở Xây dựng kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy nước, các mạng truyền dẫn, phân phối theo đúng thời hạn đã được UBND TP chấp thuận tại quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Kiểm tra, đôn đốc các công ty cấp nước việc lắp đặt bổ sung thiết bị, nâng cấp các trạm cấp nước hiện có, bảo đảm chất lượng nước theo tiêu chuẩn nước uống của Bộ Y tế; chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã rà soát các xã chưa có nước sạch, chưa có dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước để tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu, đề xuất xây dựng hệ thổng cấp nước; tiếp tục chủ trì cung các Sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch.

Lãnh đạo Công ty nước sạch Hà Nội cho biết, trong tháng 12/2018, công ty đã hoàn thành bảo dưỡng toàn bộ dây chuyền công nghệ xử lý nước, các trạm cấp nước và hoàn thành xúc xả toàn bộ hệ thống.

Công ty đã bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ, bảo đảm đầy đủ phương tiện, nâng cao mức độ dịch vụ cấp nước với chất lượng bảo đảm theo quy chuẩn; vận hành mạng lưới cấp nước bảo đảm ổn định về lưu lượng, áp lực đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng của nhân dân trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, việc triển khai thi công tại Nhà máy nước mặt sông Đuống thuộc xã Phù Đổng và Trung Mầu (Gia Lâm) đã mở ra một nguồn tiếp cận nước sạch rất lớn cho người dân Thủ đô.

Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Nhà máy nước mặt sông Đuống cho biết, dự án được khởi công vào tháng 3/2017, với tổng nguồn vốn khoảng 5.000 tỷ đồng, bảo đảm quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án gồm hai hợp phần chính là công trình thu-trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 61,5 ha. Dự án này hoàn thành cung cấp nước sạch cho các quận Long Biên, Hoàng Mai, các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Trì và một số khu vực của tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Đến nay, dự án đã vượt kế hoạch 1 năm. Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ được mở rộng và phát triển công suất đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ngày đêm, đến 2030 đạt 900.000 m3/ngày đêm, tầm nhìn 2050 đến 1.200.000 m3/ngày đêm

Nhà máy nước mặt sông Đuống khai thác nguồn nước thô từ sông Đuống có chất lượng và lưu lượng ổn định, bảo đảm cung cấp nước sạch sinh hoạt và đáp ứng các giai đoạn phát triển, nâng công suất nhà máy nước đến năm 2050 và trong tương lai.

Dự án áp dụng dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến trên thế giới, tiết kiệm chi phí xây dựng, chi phí quản lý vận hành; quy trình xử lý khép kín và không có nước xả thải ra môi trường. Chất lượng nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn nước uống trực tiếp tại vòi. Đặc biệt, tuyến ống truyền dẫn của nhà máy cũng được đầu tư sử dụng nguồn nguyên liệu chất lượng cao, được điều khiển thông qua trung tâm điều khiển đặt tại nhà máy.

Những nỗ lực này chỉ có thể đạt kết quả và hiệu quả cao khi việc vận hành và đưa vào sử dụng được người dân và chính quyền địa phương coi trọng, bảo vệ, vì xét cho cùng, nước sạch là nguồn tài nguyên vô giá và cũng không phải là nguồn tài nguyên bất tận.

An Khuê

Top