Phấn đấu năm 2019 có thêm 30 xã đạt chuẩn NTM

16/01/2019 3:24 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 16/1, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU đã tổ chức Hội nghị đánh giá Chương trình số 02-Tr/TU của Thành ủy Hà Nội năm 2018, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Thiện Tâm

Phát biểu tại Hội nghị, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, năm 2018 giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh phù hợp và hiệu quả hơn, tăng tỷ trọng sản phẩm có lợi thế và giá trị cao, đánh dấu một bước phát triển mới trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp.Các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân gieo trồng đúng thời vụ, tập trung chăm sóc để cây trồng sinh trưởng, phát triển nhanh, tăng sức chống chịu sâu bệnh và điều kiện  ngoại cảnh bất thuận, giảm chi phí thuốc trừ sâu.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có chuyển biến tích cực, các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào trong sản xuất, nhiều vùng sản xuất lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, rau, hoa có giá trị kinh tế cao. Bước đầu đã hình thành các điểm bán nông sản an toàn được kiểm soát theo chuỗi, giám sát thường xuyên nhằm kết nối sản phẩm an toàn, nâng cao niềm tin với người tiêu dùng. Việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến đưa cơ giới hóa, các giống tốt và chất lượng vào sản xuất được tăng cường.

Về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay Thành phố có 4 huyện đạt chuẩn NTM, hai huyện Gia Lâm và Phúc Thọ đã đạt 9/9 tiêu chí, đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ trình đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2018 và có 323 xã, chiếm 83,68% tổng số xã trên địa bàn Thành phố có quyết định đạt chuẩn NTM, về đích trước 2 năm so với kế hoạch đề ra. Hai xã của huyện Mỹ Đức là Xuy Xá và An Mỹ đã được Đoàn thẩm định Thành phố thẩm định đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND Thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2018.

Đặc biệt, trong năm 2018 Thành phố đề ra mục tiêu có 26 xã đạt chuẩn NTM nhưng đến nay đã có 31 xã đạt chuẩn NTM, vượt mục tiêu đề ra.

Ngân sách Thành phố đã quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và dành nguồn lực đáng kể cho xây dựng NTM. Mặt khác các địa phương tích cực tuyên truyền vận động các doanh nghiệp và nhân dân tự nguyện đóng góp trong phong trào xây dựng NTM kết quả từ năm 2016 đến nay được 3.211,6 tỷ đồng.

Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa cho các hộ nông đã được các địa phương vào cuộc quyết liệt. Đến nay toàn Thành phố đã cấp được 617.531/625.861 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa đạt 99,14%. Trong đó có một số địa phương đã hoàn thành 100% như huyện Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Trì, Thạch Thất, Ứng Hòa, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây.

Nhờ xây dựng NTM và phát triển nông nghiệp nên thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 ước đạt 46,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 1,81%. Các tiêu chí liên quan đến đời sống văn hóa tinh thần được các địa phương rất quan tâm, các tổ chức chính trị cơ sở vào cuộc quyết liệt tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh" nhiều địa phương đã phát động phong trào thực hiện đường có hoa, nhà có số, phố có tên rất tốt như huyện Đan Phượng, Thanh Trì, Phú Xuyên...

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng ngành nông nghiệp Thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế do chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, tâm lý mạnh dạn đổi mới còn dè dặt. Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn thấp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng Thủ đô.

Nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng NTM chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Việc thu hút nguồn lực xã hội ở một số địa phương chưa được nhiều, đặc biệt là huy động đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ dân trên địa bàn... Ngoài ra, hệ thống hạ tầng kinh tế- kỹ thuật nông thôn dù đã được quan tâm đầu tư nhưng còn chưa đồng đều giữa các địa phương và còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Vì vậy, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong năm 2019, Hà Nội cần tiếp tục tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để tăng năng suất, giá trị nông nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý về phòng chống thiên tai để hạn chế lũ lụt, ngập úng.

Về xây dựng NTM, Hà Nội cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung các nguồn lực để xây dựng và đạt các chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt phấn đấu đến hết năm 2019, thành phố có thêm 30 xã đạt chuẩn NTM. Đối với các xã đã đạt chuẩn cần tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn NTM, nhất là các tiêu X`chí về y tế, giáo dục, văn hóa... Cần quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn và tập trung tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu đã trao bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2018 cho các xã.

Thiện Tâm

Top