Phát triển chăn nuôi gắn với an toàn dịch bệnh

22/01/2019 5:42 PM

(Chinhphu.vn)-Năm 2018, mặc dù có nhiều khó khăn, diễn biến thời tiết khí hậu bất thường nhưng ngành chăn nuôi của thành phố vẫn tiếp tục phát triển. Tỷ trọng chăn nuôi đạt trên 55% giá trị GDP trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời công tác phòng chống dịch bệnh cũng được tăng cường, đảm bảo.

Tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm để bảo đảm an toàn dịch bệnh-Ảnh: Thiện Tâm

Nội dung trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, phương hướng nhiệm vụ năm 2019 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y ngày 22/1.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố hiện có 180,3 nghìn con trâu bò/68.150 hộ, cơ sở chăn nuôi. Đàn chó/mèo 493,5 nghìn con/264.900 hộ nuôi; đàn dê có tổng đàn khoảng 14.749 con/460 hộ chăn nuôi, đàn chim cút nuôi 4,4 triệu con/504 hộ chăn nuôi.

Trên địa bàn thành phố hiện có 988 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 958 cơ sở thủ công, nhỏ lẻ; 23 cơ sở bán công nghiệp và 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, trong đó có 168 cơ sở có giấy phép kinh doanh.

Hiện Hà Nội có khoảng trên 10 triệu dân sinh sống học tập và làm việc, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rất lớn, đặc biệt là nhu cầu về thực phẩm có nguồn gốc động vật. Trung bình mỗi ngày thành phố Hà Nội tiêu thụ khoảng 800 đến 900 tấn thịt gia súc, gia cầm các loại trong đó thành phố chỉ đáp ứng được trên 60%, số còn lại là từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước và nhập khẩu từ nước ngoài.

Có thể thấy, nhờ sự chỉ đạo tập trung, đồng bộ hoạt động chuyên môn từ Chi cục đến các đơn vị đã giúp các đơn vị trực thuộc chủ động trong các công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; kiểm dịch- kiểm soát giết mổ- kiểm tra vệ sinh thú y. Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm được triển khai đúng tiến độ, kế hoạch của Chi cục. Công tác giám sát dịch bệnh, trực và báo cáo đầy đủ theo quy định, kể cả ngày nghỉ lễ, tết.

Khi xảy ra dịch lở mồm long móng, Chi cục đã kịp thời tham mưu UBND thành phố, Sở NN&PTNT và phối hợp với các ngành liên quan thực hiện quyết liệt các giải pháp đã khống chế dịch bệnh có hiệu quả không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đã được thực hiện nghiêm túc theo quy định của ngành. Trong năm trên địa bàn thành phố không để xảy ra vụ ngộ độc lớn khi người sử dụng động vật và sản phẩm động vật.

Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của khí hậu cùng với việc môi trường ô nhiễm làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe đàn gia súc, gia cầm. Việc quản lý lợn bị nhiễm bệnh lở mồm long móng ở các tỉnh, thành vận chuyển về Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Bệnh lở mồm long móng xuất hiện tại 7 huyện với 22 xã chủ yếu là lợn thương phẩm do không được tiêm phòng và do người dân không khai báo dịch bệnh với chính quyền địa phương và thú y.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, dự tính dự baó tình hình dịch bệnh thông qua lấy mẫu giám sát, báo cáo kịp thời và xử lý triệt để khi có ổ dịch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tiêm phòng và tiêu độc vệ sinh môi trường; giám sát chặt chẽ biến động đàn cũng như công tác kinh doanh vận chuyển ra vào thành phố, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và môi trường.

Đồng thời phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống, có chất lượng hiệu quả kinh tế cao, thu hút các tỉnh, thành chăn nuôi gia súc, gia cầm thương phẩm cung cấp cho Hà Nội. Tăng cường chăn nuôi theo hướng sinh học, hạn chế sử dụng kháng sinh để đảm bảo an toàn thực phẩm. Đổi mới phương thức tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền về các chính sách chăn nuôi, thú y để các cấp chính quyền và người dân thực hiện tốt việc phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, khai báo dịch bệnh khi có dịch xảy ra.

Thiện Tâm

Top