Phát triển hiệu quả từ tái cơ cấu chăn nuôi

09/11/2018 5:30 PM

(Chinhphu.vn) - Nhờ thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi thông qua việc thay đổi từ phương thức chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, chăn nuôi sinh học... nên ngành chăn nuôi của Hà Nội trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Ngày 9/11, Sở NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị Hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh trong công tác phát triển chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm năm 2018.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Hà Nội là thủ đô của cả nước và cũng là thành phố có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng trong tốp đầu. Sản xuất chăn nuôi của Hà Nội chiếm trên 50% giá trị GDP trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay đàn trâu khoảng 25 nghìn con, đàn bò 129 nghìn con, đàn lợn hơn 1,8 triệu con... Sản lượng thịt khoảng 434 nghìn tấn.

Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Thành phố cùng sự quan tâm của Bộ NN&PTNT và sự phối hợp của các cấp ngành, liên quan. Ngành chăn nuôi của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả vượt bậc khi được tái cơ cấu với việc ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi ngành hàng rõ nét. Cụ thể, chăn nuôi Hà Nội đã chuyển đổi dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại. Hình thành các vùng chăn nuôi xa khu dân cư tổ chức sản xuất khép kín, giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Đồng thời tập trung sản xuất con giống năng suất, chất lượng cao cung cấp cho cơ sở chăn nuôi trong và ngoài thành phố, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Hàng năm Hà Nội sản xuất trên 50 nghìn bê, bò giống, 250 nghìn lợn giống/năm, 70 triệu gà giống/năm và trên 10 triệu vịt giống/năm.

Bên cạnh đó đã có nhiều chuỗi khép kín, liên kết, chuỗi giá trị phát triển mạnh với nhiều nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi được bảo hộ và khai thác có hiệu quả như: Gà đồi Ba Vì, gà mía Sơn Tây, vịt Vân Đình... Hà Nội cũng có nhiều doanh nghiệp sản xuất, cung cấp vật tư hàng hóa thiết bị phục vụ ngành chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm, phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra Thành phố cũng đang hợp tác, đầu tư và cung cấp sản phẩm cho các tỉnh trong cả nước.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của Thành phố hiện nay còn thiếu các doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nên chưa đa dạng hóa được sản phẩm, chưa tạo ra được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm chăn nuôi. Thiếu các doanh nghiệp là đầu tầu, là cầu nối giữa người sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp đẩy mạnh khâu tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Huy Đăng, trong thời gian tới ngành chăn nuôi cần phát triển theo hướng nâng cao chất lượng con giống và phát triển theo quy hoạch. Thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, chế biến áp dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng ngày càng phát triển. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ tiên tiến vào sản xuất chăn nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và thị hiếu của người tiêu dùng.

Thiện Tâm

Top