Phát triển làng nghề: Cần huy động mọi nguồn lực

04/01/2018 3:45 PM

(Chinhphu.vn) – Sự phát triển của làng nghề đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Do đó, việc hỗ trợ kinh phí, đào tạo nghề, hỗ trợ tiếp cận công nghệ,... cho các làng nghề là việc làm hết sức cần thiết.

Sự phát triển của làng nghề đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế. Ảnh: Diệu Anh

Qua rà soát, năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã dành gói kinh phí hơn 35,2 tỷ đồng cho phát triển nghề, làng nghề. Trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề gần 2,7 tỷ đồng; tập huấn nâng cao quản trị doanh nghiệp 900 triệu đồng; hỗ trợ tiếp cận công nghệ mới cho cơ sở sản xuất, doanh nghiệp 2,4 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển thương hiệu, nhãn hiệu 3 tỷ đồng; hỗ trợ tham gia các hội chợ trong và ngoài nước gần 22,3 tỷ đồng; hỗ trợ, tổ chức trưng bày, quảng bá sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ 128 triệu đồng; cung cấp thông tin, hỗ trợ thiết kế mẫu sản phẩm gần 1,2 tỷ đồng; nâng cao năng lực quản lý các hoạt động khuyến công 375 triệu đồng; hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước về phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, làng nghề 500 triệu đồng;...

Ngoài ra, sở, ngành Thành phố đã chủ động bố trí kinh phí cho công tác đào tạo nghề như Sở Công Thương phối hợp với sở, ngành, hiệp hội ngành nghề tổ chức 40 lớp truyền nghề thủ công mỹ nghệ cho 1.400 học viên tại 40 thôn, xã; tổ chức cho 1.500 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tham gia 15 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị, thiết kế mẫu, xuất nhập khẩu, quản trị bán hàng, quản trị tài chính.

Sở Công Thương cũng đã hỗ trợ 12 dự án đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ 8 lớp may công nghiệp cho 280 lao động và hỗ trợ Đề án đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất cho cơ sở công nghiệp nông thôn.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức đào tạo nghề cho 23.415 lao động nông thôn. Trong đó, nghề nông nghiệp là 13.590 lao động, nghề phi nông nghiệp là 9.825 lao động. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn nâng cao năng lực các cơ sở làng nghề cho 2.080 lao động; hỗ trợ phát triển nghề trồng nấm ăn, chế biến lâm sản, nông sản thực phẩm, sản xuất hương bằng dược liệu cho 900 lao động.

Nhằm hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam  Chi nhánh TP. Hà Nội đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng dành vốn cho vay phục vụ phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn.

Kết quả, tính đến 31/12/2017, dư nợ cho vay đối với nông nghiệp nông thôn của các tổ chức tín dụng đạt 94.877 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ; dư nợ cho vay làng nghề của các tổ chức tín dụng đạt 11.626 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã đã triển khai hỗ trợ cho 4 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, nghệ nhân, thợ giỏi trong các làng nghề vay 1,1 tỷ đồng để triển khai 4 dự án...

Tổng doanh thu ở làng nghề đạt hơn 20.000 tỷ đồng

Theo Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, toàn Thành phố hiện có 297 làng nghề được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Trong số này có 11 làng nghề sơn mài, khảm trai; 20 làng làm nghề nón, mũ lá; 83 làng làm nghề mây tre, giang đan; 20 làng làm nghề chế biến lâm sản; 29 làng làm nghề thêu ren; 25 làng làm nghề dệt may; 9 làng làm nghề da giầy, khâu bóng; 13 làng làm nghề cơ kim khí; 15 làng làm nghề chạm điêu khắc; 5 làng làm nghề đan tơ lưới; 51 làng làm nghề chế biến nông sản thực phẩm; 5 làng làm nghề cây sinh vật cảnh và 11 làng thuộc ngành nghề khác (gốm sứ, làm đàn, dát quỳ vàng bạc...).

Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường không chỉ trong và ngoài nước, bao gồm: Sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; sản phẩm cơ khí; chế biến nông sản thực phẩm (bánh, bún, kẹo, giò chả, bánh chưng, chè...).

Trong năm 2017, tổng doanh thu của 297 làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt trên 20.000 tỷ đồng. Một số làng nghề có doanh thu cao như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề bánh kẹo, dệt kim La Phù đạt 1.301 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai đạt 1.061 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu đạt 1.600 tỷ đồng; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng;... Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề truyền thống phổ biến ở mức từ 4 đến 5 triệu đồng/lao động/tháng.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng sản xuất làng nghề sẽ chiếm khoảng 8,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp; tiến hành xử lý ô nhiễm môi trường cho 50 làng nghề đang có mức ô nhiễm nghiêm trọng; nâng cấp cơ sở hạ tầng cho 50 làng nghề; tạo việc làm ổn định từ 800 nghìn đến một triệu lao động nông thôn với thu nhập đạt từ 35 triệu đến 40 triệu đồng/người/năm…

Để thực hiện được những mục tiêu này, Thành phố sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề nói chung, trong đó chú trọng khuyến khích áp dụng công nghệ mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất làng nghề. Đồng thời, sẽ hỗ trợ vốn đầu tư, đào tạo lao động, mở rộng mặt bằng... để các làng nghề có điều kiện hoạt động tốt nhất, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế Thủ đô và bảo đảm an sinh xã hội.

Diệu Anh

Top