Phát triển nghề truyền thống nhờ mô hình hợp tác xã

26/09/2019 4:53 PM

(Chinhphu.vn) - Các làng nghề truyền thống luôn có một chỗ đứng nhất định tại các địa phương, nó không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho của người dân mà còn tạo nên một nét đẹp văn hóa mang tính đặc trưng vùng, miền. Để nâng cao tính cạnh tranh, duy trì và phát triển, hiện các làng nghề đã dần chuyển sang mô hình hợp tác xã.

Hà Nội với hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, nhưng hiện nay chỉ có 223 hợp tác xã trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Số lượng không nhiều nhưng các hợp tác xã đã đóng vai trò tích cực trong việc duy trì, phát triển làng nghề, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động.

Trước đây nhiều hộ gia đình tại các làng nghề thường có tâm lý giữ nghề, truyền nghề riêng cho người trong gia đình, dòng họ để tránh bị “mất nghề” thì nay quan niệm đã thay đổi. Họ đã chủ động truyền nghề lại cho thế hệ trẻ nhằm giúp làng nghề của họ tránh mai một và ngày càng phát triển hơn. Đơn cử như làng nghề dát quỳ vàng ở xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội với mong muốn phát triển làng nghề, Hợp tác xã Công nghiệp Quỳ vàng Kiêu Kỵ đã cùng với Sở Công thương Hà Nội và Trung tâm khuyến công huyện Gia Lâm tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho lớp trẻ trong làng và một số địa phương lân cận. Các học viên trẻ theo học các lớp học nghề đều được bảo đảm việc làm sau khi học. Nhờ đó, hầu hết các học viên đều yên tâm, tâm huyết theo đuổi nghề.

Từ nguy cơ mai một nghề truyền thống, đến nay, làng nghề đã có gần 1.000 lao động, với mức thu nhập trung bình từ 4000.000 - 10.000.000 đồng/người/tháng. Làng nghề cũng nhờ đó ngày càng phát triển, tham gia quá trình sửa sang, xây dựng các công trình, di tích trên mọi miền đất nước.

Cũng tương tự như Kiêu Kỵ, làng nghề nổi tiếng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm) trước đây cũng sản xuất manh mún, không hiệu quả. Sau đó làng nghề đã tổ chức theo hướng HTX tập trung các xã viên, tổ chứ dạy nghề, truyền nghề cho lớp trẻ.

Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Văn May cho biết, hiện nay, Bát Tràng có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ sản xuất - kinh doanh gốm sứ, tạo việc làm ổn định cho khoảng 5.000 lao động địa phương và hơn 4.000 lao động đến từ các địa phương lân cận. Hằng năm, giá trị sản xuất - thương mại từ gốm sứ đạt hơn 2.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân hiện đạt 60 triệu đồng/người/năm... Đặc biệt, những năm gần đây, Bát Tràng đã trở thành một trong những điểm du lịch làng nghề được nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế tìm đến.

Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Hà Nội Lê Văn Thư cho biết, để các HTX trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, những tháng đầu năm 2019, Liên minh HTX Thành phố đã thành lập mới các tổ hợp tác trong các làng nghề, tổ chức các lớp truyền nghề và cho vay 14,65 tỷ đồng để phát triển 40 dự án trong lĩnh vực này, nhất là giúp các thành viên và HTX sản xuất, kinh doanh tại các huyện Phú Xuyên, Thạch Thất, Mỹ Ðức, Ứng Hòa, Ðông Anh, Sóc Sơn... Nguồn vốn hỗ trợ đã giúp 120 lao động là thành viên các HTX có việc làm, đời sống ổn định.

Cùng với đó, Liên minh HTX Thành phố còn phối hợp các sở, ngành liên quan giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong việc phát triển nghề nông thôn trên địa bàn. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm ngành nghề, đẩy mạnh liên kết sản xuất, khuyến khích thành lập mới các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"...

Có thể thấy, tổ chức HTX cùng với những cách làm, giải pháp bài bản đã góp phần giúp người dân Bát Tràng, Kiêu Kỵ cũng như một số người dân làng nghề truyền thống của Hà Nội như Lụa Vạn Phúc (Hà Đông), Mây tre đan Phú Nghĩa (Chương Mỹ)...thay đổi tư duy phát triển làng nghề truyền thống.

Diệu Anh

Top