Phát triển nhãn chín muộn đạt hiệu quả cao

11/09/2019 11:49 AM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển cây ăn quả, trong đó nhãn chín muộn là một trong những cây ăn quả chủ lực có nhiều thế mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. * Nhãn chín muộn chinh phục thị trường Australia * Xây dựng vùng nhãn chín muộn hướng xuất khẩu bền vững

Nhãn chín muộn đem lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: Thiện Tâm

Theo Sở NN&PTNT, diện tích cây ăn quả của Hà Nội năm 2018 là 18,769 ha, chủng loại chính gồm bưởi, cam, nhãn, chuối (chiếm 62%), còn lại táo, đu đủ, hồng xiêm, vải, xoài… Trong số các cây ăn quả chiếm diện tích lớn, cây nhãn đứng ở vị trí thứ 3 với diện tích 1.802 ha, sản lượng ước hàng năm đạt 18 nghìn tấn. Cơ cấu giống nhãn gồm nhãn chín muộn, nhãn chín sớm, nhãn ta, nhãn miền thiết, nhãn thóc trồng tại các huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ…

Hiện nay giống nhãn chín muộn của Hà Nội chủ yếu gồm 2 giống HTM1 và HTM2 trồng tập trung tại các huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ diện tích khoảng 600ha, sản lượng nhãn chín muộn đạt khoảng 9.000 - 10.000 tấn, thu nhập bình quân 300 - 400 triệu đồng/ha/năm, một số vườn tiêu biểu cho thu nhập trên 700 - 800 triệu đồng/ha/năm. Giống nhãn chín muộn HTM1, HTM2 là 2 giống có thời gian thu hoạch dài và muộn nhất trong tất cả các giống từ 20/8 đến 25/9 hàng năm, đáp ứng yêu cầu rải vụ thu hoạch và tiêu thụ.

Theo quy hoạch đến năm 2020, một số vùng sản xuất nhãn chín muộn tập trung tại Hà Nội gồm: Vùng nhãn ven sông Đáy thuộc huyện Quốc Oai, vùng nhãn ven sông Đáy thuộc huyện Hoài Đức, vùng Lam Điền, Thụy Hương, Phụng Châu huyện Hoài Đức.

Giống nhãn chín muộn HTM-1 có nguồn gốc từ cây nhãn tổ trên 120 tuổi tại xã Đại Thành, huyện Quốc Oai. Giống nhãn này sinh trưởng khỏe, lá màu xanh đậm. Cùi dầy, giòn, nhiều nước, thơm và có màu trắng trong, vỏ mỏng. Giống nhãn chín muộn HTM-2 có nguồn gốc từ cây nhãn tổ có gần 50 tuổi tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức. Giống này sinh trưởng khỏe, quả tròn có màu vàng sáng, cùi dầy, hơi dai và có màu trắng đục, vỏ dày.

Được biết, nhãn chín muộn có thời gian thu hoạch muộn hơn các giống nhãn đại trà một tháng. Hiện nay phần lớn nhãn chín muộn ở Hà Nội tiêu thụ ở dạng quả tươi, qua sơ chế, chế biến, đóng gói nhãn mác. Sản phẩm nhãn chín muộn chủ yếu là do nông dân tự tiêu thụ thông qua tư thương (60 - 70% sản lượng) nên giá thành bấp bênh, khoảng 30 - 40% sản phẩm quả được tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị tại các quận nội thành, huyện, thị xã.

Trong giai đoạn 2015 - 2019, thông qua việc triển khai mô hình thâm canh điểm, sản xuất theo Vietgap nhãn chín muộn trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, năng suất các mô hình tăng đều qua các năm, năm 2016, 2018 đạt 21 - 22 tấn/ha/năm, tăng so với năm 2010 là 9 - 10 tấn/ha/năm. Hiệu quả kinh tế năm 2018 đạt 590 triệu đồng/ha/năm, tăng so với năm 2010 là 350 triệu đồng/ha/năm.

Các sản phẩm nhãn chín muộn hầu hết đều đã được các siêu thị, cửa hàng tiện ích trưng bày và bán 30 - 40% sản lượng. Đồng thời có nhiều doanh nghiệp đã có hợp đồng thu mua và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như: Hoa Kỳ, các nước châu Âu, Úc, Malaysia. Có thể thấy, thương hiệu nhãn chín muộn của Hà Nội đã được trong và ngoài nước biết đến, các sản phẩm đã có mặt trên rất nhiều tỉnh, thành cả nước.

Việc triển khai mô hình tại các địa phương đã góp phần nâng cao kiến thức về sản xuất, thâm canh nhãn chín muộn theo Vietgap cho cán bộ, nông dân. Tạo thêm nhiều việc làm mới, góp phần nâng cao thu nhập đời sống cho nông dân.

Tuy nhiên, năng suất, sản lượng quả nhãn chưa ổn định ra qua các năm (năm ăn quả năm trả cành); chất lượng, mẫu mã quả không đồng đều. Cụ thể năng suất nhãn năm 2014, 2016, 2018 đạt trung bình 21-22 tấn/ha/năm, năm 2015, năm 2017 năng suất chỉ đạt 10 - 12 tấn/ha/năm.

Trình độ thâm canh của người dân chưa cao; việc cắt tỉa, sử dụng các biện pháp kỹ thuật để thúc ra hoa, đậu quả, chống rụng quả… còn ở quy mô nhỏ. Phần lớn nhãn chín muộn ở Hà Nội tiêu thụ ở dạng quả tươi, chế biến, đóng gói nhãn mác chỉ 3 - 5%.

Vì vậy, theo Sở NN&PTNT, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các huyện, địa phương quy hoạch vùng trồng mới nhãn tập trung, phát triển sản xuất giống nhãn chín muộn là giống nhãn chủ lực của Hà Nội. Phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất nhãn chín muộn toàn thành phố đạt trên 1.000 ha. Giống nhãn chủ lực phát triển là giống nhãn chín muộn Hà Nội (giống HTM1, HTM2) chiếm 80%, một số giống nhãn chín sớm như giống nhãn T6, PHS2… chiếm 20%.

Đồng thời đẩy mạnh trẻ hóa, ghép cải tạo giống nhãn chín sớm, chín muộn, siêu ngọt trên giống nhãn cũ có năng suất, chất lượng thấp. Tăng cường ứng dụng kỹ thuật đồng bộ hóa, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhãn chín muộn. Nghiên cứu các biện pháp bảo quản quả nhãn chín muộn đáp ứng yêu cầu rải vụ nhãn nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về quản lý, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho cán bộ, nông dân các vùng trồng nhãn chín muộn gắn với nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững.

Thiện Tâm

Top