Phát triển nông nghiệp sạch từ tăng cường liên kết chuỗi

27/11/2019 4:15 PM

(Chinhphu.vn) - Bên cạnh việc tăng cường phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Hà Nội còn đẩy mạnh phát triển liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân Thủ đô.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường thăm quan gian hàng sản phẩm nông nghiệp tại huyện Thường Tín - Ảnh: Thiện Tâm

Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, mục tiêu của ngành nông nghiệp Thủ đô là nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, tăng dần tỷ trọng các ngành chăn nuôi, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất công nghệ cao, tiết kiệm chi phí và nguồn nhân lực. Đến nay, toàn Thành phố có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay tuy quy mô còn hạn chế, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.

Trong đó điển hình như Trang trại Hoa Viên (Thạch Thất, Hà Nội) hoạt động theo mô hình khép kín từ khâu sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. Bình quân một tháng, trang trại xuất khoảng 1.000 con lợn thịt và 500 - 1.000 con lợn giống; doanh thu bình quân một năm đạt khoảng 100 tỷ đồng. Ngoài ra, trang trại Hoa Viên còn sở hữu một vùng trồng rau hữu cơ quy mô lớn đầu tiên tại Hà Nội cung cấp cho thị trường Hà Nội hàng chục tấn rau hữu cơ một ngày. Đây là mô hình trang trại đang được triển khai có hiệu quả và tạo được sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Hay diện tích áp dụng thâm canh lúa cải tiến toàn phần 10.884 ha và ứng dụng từng phần (chủ yếu cấy 1 dảnh) 55.976 ha. Mô hình gieo cấy 2.300 ha lúa Japonica tại huyện Ứng Hòa liên kết với doanh nghiệp thu mua toàn bộ lúa tươi. Một số doanh nghiệp liên kết sản xuất giống lúa, áp dụng gieo cấy, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch bằng máy và đưa vào công nghệ sấy lúa tươi với qui mô 1000 ha trên địa bàn Thành phố tại các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức...

Trong những năm qua, UBND Thành phố luôn quan tâm đến công tác phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội. Do vậy, UBND Thành phố đã phê duyệt một số chương trình, đề án, dự án như: “Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”, “Đề án phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao”... nhằm xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn thành phố và giao Sở NN&PTNT triển khai thực hiện.

Đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã triển khai xây dựng các vùng sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi như sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo các vùng sản xuất chất lượng, tập trung. Thành phố đã hình thành, duy trì và phát triển các vùng sản xuất với hơn 5.000 ha rau an toàn được quản lý; 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 3.810 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 23 cơ sở giết mổ bán công nghiệp.

Thành phố cũng đang tiếp tục triển khai các kế hoạch để đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm của 135 chuỗi liên kết đã được xây dựng; hỗ trợ để nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm trong chuỗi và nhận rộng các mô hình chuỗi an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Thành phố, đồng thời thành lập các đoàn công tác cùng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản đi làm việc, học tập, kết nối sản xuất tiêu thụ, xúc tiến thương mại giữa Hà Nội với 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối Chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho Thành phố. Qua đó, Hà Nội và các tỉnh đã xây dựng và phát triển được 543 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trong đó có 198 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tiếp tục phát triển theo hướng tái cơ cấu

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở quy mô nhỏ, một số vùng sản xuất hoặc mô hình điển hình, chưa đều khắp, phủ trên diện rộng của từng địa phương; chưa đóng vai trò định hướng, tiên phong cho hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của các địa phương.

Công nghệ trồng, thu hoạch, bảo quản và chế biến còn chưa ứng dụng công nghệ hiện đại nên chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Chưa có đầu tư toàn diện cho phát triển sản xuất một số mặt hàng chủ lực và chủng loại còn dàn trải. Việc liên kết giữa các tổ chức, cá nhân trong sản xuất còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng phá hợp đồng thường xuyên xảy ra.

Bên cạnh đó, tình trạng tiêu thụ sản phẩm vẫn còn qua nhiều khâu trung gian phân phối nên giá bán thực tế cao hơn nhiều so với giá thu mua tại cơ sở sản xuất, sức cạnh tranh chưa cao, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền quảng bá Marketting giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Việc nhận diện sản phẩm tham gia chuỗi vẫn gặp rất nhiều khó khăn, các sản phẩm chuỗi vẫn phải cạnh tranh rất khốc liệt.

Vì vậy, theo ông Tạ Văn Tường, nhiệm vụ đột phá từ nay đến năm 2020, Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, tạo vành đai xanh, góp phần phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.

Song song với đó là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp, trong đó tập trung đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ kỹ thuật và quản lý từ Thành phố đến cơ sở đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản theo chuỗi. Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, tạo thêm việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đồng thời liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch OCOP (mỗi xã mỗi sản phẩm). Triển khai thực hiện Dự án “Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020”.

Thiện Tâm

Top