Phát triển thương mại điện tử nông nghiệp

26/12/2018 5:32 PM

(Chinhphu.vn) – Mới đây, TP. Hà Nội đã cho ra đời kế hoạch phát triển Chợ Thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị, thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020. Việc này đánh dấu việc phát triển thương mại nông nghiệp của thủ đô đã bước sang giai đoạn mới.

Mô hình "Chợ nhà mình" đang được triển khai tại nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội - Ảnh: Đỗ Hương

Nhiều hệ lụy từ chợ cóc, chợ tạm

Từ bao đời nay, thói quen chợ cóc, chợ tạm “mọc” lên ở các khu phố có đông người sinh sống ở các đô thị. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 450 chợ chính đang hoạt động. Trong đó riêng các quận nội thành có hơn 100 chợ truyền thống. Bình quân một quận nội thành có 10 chợ truyền thống.

Nhưng tồn tại đồng thời với đó là rất nhiều chợ “cóc”, chợ tạm với những nguy cơ lớn về an toàn thực phẩm, về trật tự đô thị… cũng như gây thiệt hại không nhỏ đến hoạt động buôn bán của các tiểu thương tại các chợ chính, chợ truyền thống. Đây được coi là một nguyên nhân làm cho không ít chợ chính rơi vào tình trạng vắng khách, ế ẩm. Nhiều chủ hàng phải đóng cửa ki-ốt, bỏ việc buôn bán ra thuê mặt bằng bên ngoài để kinh doanh.

Thực tế những năm qua cho thấy, thành phố Hà Nội đã có nhiều chủ trương, biện pháp quyết liệt trong việc dẹp chợ “cóc”, chợ tạm nhưng hiệu quả đạt được không đáng kể. Song, đến nay trên địa bàn Hà Nội vẫn còn tồn tại hàng trăm chợ tạm, chợ “cóc”. Điều đáng lo ngại là loại hình chợ này ngày càng có chiều hướng gia tăng và xuất hiện ở nhiều nơi.

Mặt khác, việc buôn bán tại các chợ tạm, chợ “cóc” về cơ bản là không chịu sự quản lý của các lực lượng chức năng, đa phần người bán từ các nơi khác trở về nên giá cả không ổn định, hàng hóa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa việc người mua người bán chen chúc nhau còn tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động. Tại nhiều khu chợ, người xe chen chúc sẽ rất khó khăn trong xử lý khi có sự cố, hoả hoạn…

Mỹ quan đô thị Hà Nội trong những năm gần đây đã bị xấu đi nhiều bởi văn hóa kinh doanh trên vỉa hè bùng phát mạnh. Chợ “cóc”, chợ tạm mọc lên như nấm và sau mỗi buổi họp chợ là những đống rác lớn gây mất vệ sinh đường phố. Phục vụ thói quen tiêu dùng của người thủ đô, các chợ “cóc” này họp cả ngày nhưng đông đúc nhất vào buổi chiều tối. Điều này không những làm ách tắc giao thông mà còn gây nhiều phiền phức cho người dân sống xung quanh khu vực. Thường các chợ cóc bày bán la liệt đủ loại mặt hàng, từ rau củ quả, đến thịt cá, hải sản…Và chúng đều được giết mổ ngay trên đường gây mất vệ sinh.

Ông Ngô Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công, quận Ba Đình cho biết, hiện nay ý thức của người dân với môi trường chưa tốt nên ngoài việc nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý thì cũng cần tăng cường nhận thức cho người dân trong các khu đô thị, khu dân cư: “Các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian vừa rồi rất tích cực phối hợp với chính quyền các cấp nên khi chúng tôi đeo thẻ đến nhắc là người dân chấp hành ngay. Thấy cơ quan chức năng là không dám xả rác bừa bãi. Tôi cho rằng, ý thức không thể một sớm một chiều chuyển đổi được, nhưng mà tôi mong muốn các cơ quan truyền thông hãy thường xuyên tuyên truyền đẩy mạnh vấn đề môi trường, giúp chính quyền cơ sở có hành lang pháp lý để người dân dựa vào đó chấp hành”.

Nghị định 155/2016 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/02/2017 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính rất cao đối với các hành vi vứt rác thải, đổ nước thải ra môi trường song một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa chấp hành pháp luật về giữ gìn vệ sinh môi trường. Tình trạng người dân xả rác ở những nơi công cộng, đặc biệt là tại các chợ vẫn khá phổ biến.

Kỳ vọng nhiều thay đổi từ thương mại điện tử

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã khẳng định, thời gian tới sẽ dần xóa bỏ chợ tạm, chợ cóc. Trước mắt, thành phố Hà Nội sẽ rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn, chọn những tụ điểm gây bức xúc nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm để kiên quyết xóa bỏ.

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, việc xóa bỏ các chợ tạm, chợ cóc là công việc khó khăn, nhưng cần triển khai ngay và cần có sự phân cấp rõ ràng để đạt hiệu quả: “Chợ cóc xả rác bừa bãi nên không đẹp về mặt hình ảnh của thành phố. Tôi nghĩ cần có biện pháp nâng cao nhận thức, cùng với Hà Nội  trong các đợt ra quân tuyên truyền vận động người dân. Nâng cao kỹ năng, khả năng của các cán bộ quản lý môi trường để thực hiện tốt hơn”.

Để đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân được thuận lợi, dễ dàng, đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường, thời gian tới, thành phố Hà Nội cũng cần tăng cường đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng những chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị. Bên cạnh đó, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Đặc biệt, ngày 6/12/2018 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ký ban hành Kế hoạch số 221/KH-UBND về việc phát triển Chợ Thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị, thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020. 

Theo kế hoạch, 100% thương mại hàng hóa khi đưa vào Chợ Thương mại điện tử để tham gia giao dịch có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định. Nhà sản xuất, kinh doanh có nhu cầu tham gia Chợ thương mại điện tử phải có đủ các điều kiện cần và đủ theo quy chế chợ và quy định của Ban quản lý chợ…

Mục tiêu đặt ra, đến năm 2019, triển khai mỗi quận từ 3-5 điểm giới thiệu Chợ Thương mại điện tử, năm 2020 mở rộng phát triển trên các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Đảm bảo 100% sản phẩm sản xuất theo chuỗi trên địa bàn thành phố Hà Nội được giới thiệu, quảng bá xúc tiến thương mại, hỗ trợ thực hiện các nội dung giao dịch và thanh toán điện tử trên Chợ Thương mại điện tử. Phấn đấu đến cuối năm 2019, tối thiểu đạt được 10.000 lượt đăng ký thành viên và đến cuối năm 2020 có 30.000 lượt đăng ký thành viên.

Về triển khai xây dựng, vận hành Chợ Thương mại điện tử, theo UBND thành phố Hà Nội, tên Chợ Thương mại điện tử: Chợ nhà mình www.chonhaminh.gov.vn (tiếng Việt) và www.myhomemarket.gov.vn (tiếng Anh). Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp sẽ là đơn vị triển khai thực hiện.

Chợ Thương mại điện tử được sử dụng để giới thiệu phương thức tiêu thụ thương mại online, kết nối người sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng, bảo đảm người tiêu dùng thực hiện giao dịch mua sản phẩm nông nghiệp trên sản điện tử được tiếp cận với các loại thương mại bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có kiểm soát, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hàng hóa thương mại được phép kinh doanh trên chợ là từ các chuỗi liên kết sản xuất an toàn, từ các mô hình sản xuất đã được chứng nhận (VietGAP, HACCP…), đã được thẩm định đủ các điều kiện để tham gia chợ…

Ngân sách Thành phố sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí đối với các nội dung thuộc lĩnh vực triển khai xây dựng, vận hành quản lý chợ, các nhiệm vụ quản lý nhà nước, phân tích chất lượng sản phẩm trước khi đưa vào chợ, công tác tuyên truyền, truyền thông, tập huấn kỹ thuật.

Đỗ Hương

Top