Phố cổ Hà Nội được khoác ‘áo mới’

05/06/2019 3:19 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay nhiều khu vực ở phố cổ Hà Nội đã hoàn thành chỉnh trang, cải tạo, được đặt thêm cây xanh, chậu hoa ở ban công, nhiều ngôi nhà khu vực phố cổ thuộc khu vực bảo tồn cấp 1 và cấp 2 đã được quét vôi ve, khoác lên mình những "tấm áo mới".

Nhiều ngôi nhà đã được quét vôi ve, khoác lên mình “tấm áo mới”. Ảnh: Thùy Chi

Nhiều ngôi nhà đã được quét vôi ve, khoác lên mình “tấm áo mới”. Ảnh: Thùy Chi

Cụ thể, các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm như: Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng; hay các tuyến trong khu bảo tồn cấp 1 gồm Đào Duy Từ, Hàng Gai, Hàng Giầy, Hàng Giấy, Hàng Bè… đã trở nên đẹp hơn bởi những tấm “áo mới”.

Khu phố cổ Hà Nội được khoanh vùng trên diện tích 105 ha, bao gồm địa giới hành chính của 10 phường (Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Cửa Đông, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông, Lý Thái Tổ) thuộc quận Hoàn Kiếm.

Những ngày này, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội được giao nhiệm vụ đảm trách việc chỉnh trang phố cổ đẹp đẽ và gọn gàng hơn để phục vụ cho các hoạt động du lịch và thu hút khách du lịch.

Phố cổ Hà Nội từ lâu đã được biết đến với không gian phố sá chật chội, nhiều hàng quán kinh doanh, những mái che, mái vẩy chen chúc nhau, nhiều ngôi nhà bị xuống cấp trầm trọng.

Ảnh: Thùy Chi

Tất cả những hình ảnh đó đã khiến phố cổ ngày một không đẹp mắt. Để tạo nên một diện mạo mới cho phố cổ, 79 tuyến phố trong phố cổ Hà Nội được tiến hành chỉnh trang thiết kế lại để phù hợp với công năng sử dụng. Đồng thời, tạo thêm không gian công cộng để phục vụ cho các hoạt động thăm quan du lịch và văn hóa tín ngưỡng. Bên cạnh đó cũng bổ sung thêm các tiện nghi, tiện ích công cộng và hệ thống cây xanh giúp cho phố xá thêm bóng mát.

Để khoác lên mình tấm “áo mới” đồng bộ về màu sắc, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội chỉ lựa chọn những công trình tiêu biểu giữ được kiến trúc truyền thống nhưng đã bị xuống cấp.

Đền Bạch Mã (Tứ trấn Thăng Long) - di tích lịch sử ở Phố Hàng Buồm - Ảnh: Thùy Chi

Việc chỉnh trang thực hiện theo nguyên tắc hạng mục, nếu hạng mục nào gắn vào công trình không phù hợp sẽ bị loại bỏ, từ mái che, mái vẩy, đường dây điện… Cùng với đó, một số hạng mục như cửa, lan can sẽ được sơn sửa hoặc làm mới, mặt tiền các ngôi nhà mặt phố được quét vôi ve... Màu vôi ve được lựa chọn cho phù hợp với không gian phố cổ để đồng điệu về màu sắc và cảnh quan, hài hòa với kiến trúc cổ.

Đối với những gia đình có nhu cầu làm mái che chống nắng, mưa, Ban Quản lý phố cổ hướng dẫn cách làm theo một mẫu với màu sắc, độ dài từ mặt tiền ra vỉa hè thống nhất để tránh tình trạng lộn xộn.

Công trình bảo tồn 38 Hàng Đào đã được chỉnh trang, cải tạo. Ảnh: Thùy Chi

Việc chỉnh trang Phố cổ đã nhận được sự đồng thuận của đa số người dân đang sinh sống tại đây. Chị Nguyễn Thanh Hương (sống trên phố Hàng Buồm) chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi khu phố cổ được chỉnh trang, cải tạo, bởi phố cổ vốn là bộ mặt của Thủ đô Hà Nội, khách du lịch hàng ngày đến thăm quan rất lớn, nên không thể để phố cổ xuống cấp, nhếch nhác, do đó sự quan tâm của chính quyền là rất kịp thời và xác đáng”.

Công việc chỉnh trang, cải tạo phố cổ được bắt đầu triển khai từ năm 2016, đến thời điểm này, công tác chỉnh trang, cải tạo đã thực hiện được gần 30 tuyến phố. Riêng trong năm 2019 sẽ hoàn thành 12 tuyến. Theo lộ trình, đến năm 2020 , Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội sẽ hoàn thành việc chỉnh trang toàn bộ 79 tuyến phố.

Thùy Chi

Top